(TSVN) – Những ngày qua, nhiều hộ dân nuôi cua biển ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn lo lắng khi cua nuôi trong vuông bị chết hàng loạt. Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề nuôi cua, con cua từ lâu đã trở thành đối tượng nuôi chính, chỉ xếp sau con tôm. Theo thống kê, hiện nay diện tích nuôi cua toàn tỉnh khoảng hơn 250.000 ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng khoảng 25.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập nước được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000 ha, sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Cua được người dân nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác, chủ yếu là hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thời gian gần đây thì phát triển thêm loại hình nuôi cua thâm canh, bán thâm canh, nuôi cua trong hộp nhựa…
Cua bệnh có các dấu hiệu như sạm màu, cơ thể yếu, di chuyển chậm. Ảnh: Huỳnh Anh
Hiện, Cà Mau trở thành địa phương có sản lượng cua nhiều nhất cả nước, tổng giá trị bình quân mỗi năm hơn 10.000 tỷ đồng. Cua Cà Mau được xác định là ngành hàng chủ lực tại địa phương. Nhiều năm qua, con cua đã góp phần không nhỏ cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng cua nuôi chết hàng loạt đã khiến nhiều nông dân gặp khó khăn.
Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau, từ đầu tháng 3, cua nuôi ở Cà Mau xảy ra tình trạng bệnh chết bất thường, nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi và Năm Căn với diện tích hơn 1.800 ha. Qua thống kê có hơn 500 hộ dân bị thiệt hại, với mức độ từ 5 – 40%. Cua chết xuất hiện ở tất cả các kích cỡ 10 – 15 con/kg cho đến 3 – 4 con/kg.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau đã thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát, điều tra thực tế tại một số hộ nuôi cua ở các địa phương. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, cua bị sạm màu, yếu, hoạt động chậm chạp… Những con cua này chết ngay trong vuông nuôi hoặc bắt lên bờ sau vài giờ đến một ngày. Cua chết bị đen mang, màu nhợt, thân ốp, bên trong rỗng thịt hoặc cơ thịt nhão và chuyển màu hồng.
Theo kết quả phân tích mẫu từ Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, tất cả các mẫu cua đều ghi nhận vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hiện diện trong tất cả các gan tụy cua, có dấu hiệu bệnh lý. Trong số đó, có 4/10 con xuất hiện ký sinh Zothamium spp, đồng thời cũng có sự hiện diện của giáp xác chân đều, ký sinh trùng bám, trùng loa kèn phát triển. Được biết, tình trạng cua chết vào mùa nắng hạn đã xảy ra từ vài năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nhiều hộ nuôi bị thiệt hại không nhỏ, có người 50 – 70%.
Để khắc phục tình trạng cua chết trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu UBND các huyện và TP Cà Mau chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý, qua đó khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi để hạn chế thiệt hại.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo người nuôi cua cần tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo để giảm nhẹ thiệt hại, nhất là trong điều kiện nắng nóng còn kéo dài. Chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi. Trước mắt, người dân cần thu hoạch ngay số cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại; không nên thả thêm con giống vào nuôi; cấp thêm nước vào vuông nuôi nhằm hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng cao…
Đối với số cua bị chết, người nuôi nên thu gom mang đi chôn và xử lý bằng vôi nóng hoặc Chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh.
Đặc biệt, vào thời điểm này, người nuôi không nên thả thêm con giống mà phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để kịp thời cấp thêm nước, hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng quá cao. Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong quản lý sức khỏe tôm, cua nuôi, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm, cua nuôi.
Hiện, chưa có giải pháp phòng, trị hiệu quả do nhóm ký sinh trùng giáp xác chân đều, vi khuẩn gây ra trên cua. Do đó, người nuôi cần theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để phối hợp với các cơ quan chuyên môn kịp thời hướng dẫn xử lý, hạn chế tối đa thiệt hại.
Lê Loan