Cá tra rối thông tin

Chưa có đánh giá về bài viết

Thông tin về tình hình thả nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu trên các phương tiện truyền thông cũng như trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL ngày 21/8, tại TP Cần Thơ, đang khá rối rắm.

Thông tin nhiều mâu thuẫn

Báo cáo của Bộ BNN&PTNT, đến ngày 16/8, toàn vùng thả nuôi 4.696 ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Diện tích đã thu hoạch 3.570,4 ha, tăng 31,7%; sản lượng thu hoạch 770.796 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2012. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền nhấn mạnh, doanh nghiệp có vùng nuôi ước tính chiếm 60% diện tích toàn vùng, nông dân còn nuôi khoảng 40%.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra sang 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu 985 triệu USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ.

Chỉ sau hội nghị ít ngày, trên các phương tiện truyền thông, xuất hiện nhiều thông tin thiếu cá tra nguyên liệu. Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương: doanh nghiệp của ông đã tăng giá xuất khẩu thêm 20 cent/kg và ngưng ký hợp đồng cho đơn hàng tháng 10, kéo dài việc ngưng ký hợp đồng mới đến tháng 11/2013. Nguyên nhân là “cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu chủ yếu là của các doanh nghiệp tự nuôi, cá trong dân còn rất ít. Ngay cả Hùng Vương mỗi ngày cần 20.000 tấn nguyên liệu nhưng hiện vùng nguyên liệu chỉ đáp ứng 12.000 tấn”.

Trái ngược với ý kiến của ông Minh, trả lời báo chí sáng ngày 29/8, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Cá tra Việt Nam Nguyễn Chí Bình cho biết: ở tỉnh An Giang chưa có thông tin thiếu cá tra nguyên liệu từ các doanh nghiệp chế biến. Theo ông Bình, giá cá cao nhất người nuôi vẫn chỉ bán được 23.000 đồng/kg và việc mua từ doanh nghiệp vẫn trong tình trạng cầm chừng.

Một doanh nghiệp chế biến cá tra ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) trước đây có 2.400 công nhân, nay chỉ còn 1.100 công nhân nên vắng vẻ – Ảnh: Sáu Nghệ

Các thông tin trên như thế là mâu thuẫn với nhau: Sản lượng nuôi tăng, xuất khẩu giảm nhưng lại thiếu nguyên liệu (!?) Đặc biệt, các doanh nghiệp đã nuôi 60% diện tích mà vẫn thiếu nguyên liệu, trong lúc nông dân nuôi lại khó bán. Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thẳng thắn: “Thông tin mâu thuẫn mà chưa có kiểm chứng gì cả, nếu cá thiếu thì giá phải tăng, trong lúc thực tế giá cá tra vẫn nằm im. Ở tỉnh Vĩnh Long, người nuôi bán chịu thì được 21.700 đồng/kg (cá loại 1), còn cá quá lứa (loại trên 1 kg/con) chỉ 18.000 – 19.000 đồng/kg”. Ông Vàng nói thêm, thiếu nguyên liệu cục bộ có thể ở một số doanh nghiệp chưa có vùng nuôi hoặc vùng nuôi ít.

 

Doanh nghiệp “nuốt” người nuôi

Theo ông Vàng, rất có thể nhằm thúc đẩy nông dân nuôi trở lại nên xuất hiện thông tin thiếu cá kèm theo lời đồn đoán giá cá sẽ tăng làm mồi nhử, nhưng đến nay vẫn rất mập mờ trong việc liên kết và hợp đồng bao tiêu cá tra nguyên liệu giữa doanh nghiệp và người nuôi. “Để xác thực diện tích nuôi của doanh nghiệp, sắp tới tôi sẽ có ý kiến với Thường trực Hiệp hội Cá tra và Ban chỉ đạo để kiểm chứng”, ông Vàng nói.

Còn tình hình xuất khẩu cá tra, các ý kiến tại hội nghị hôm 21/8 cho rằng, vẫn “rất lộn xộn”. Theo ông Dương Ngọc Minh, hiện có 152 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhưng chỉ dưới 60 doanh nghiệp có nhà máy chế biến, nên khoảng 90% doanh nghiệp xuất khẩu với giá dưới 2 USD/kg. Trong số trên dưới 20 doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2013 (tùy từng tháng mà số doanh nghiệp có thay đổi), Công ty TNHH Thương mại Tâm An xuất giá cao nhất, gần 8 USD/kg, còn doanh nghiệp xuất giá thấp nhất chỉ 1,21 USD/kg.

Xuất giá thấp, nhiều doanh nghiệp “quay lại ép giá mua nguyên liệu trong nước” và “chiếm dụng vốn của người nuôi”, báo cáo của Tổng cục Thủy sản. Cũng vì vậy, nhiều nông dân lâm nợ nần kéo dài, treo ao, sạt nghiệp. Vẫn theo Tổng cục Thủy sản, một số doanh nghiệp đã mở rộng vùng nguyên liệu “bằng cách thuê lại ao của dân”. Còn nói như Giám đốc HTX Nuôi cá tra Thới An (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải: “Doanh nghiệp đã nuốt chửng người nuôi cá”.

Về tình trạng xuất khẩu cá tra nguyên con hoặc bỏ đầu và nội tạng, Tổng cục Thủy sản cho rằng “cần phải sớm chấn chỉnh để hạn chế”. Nhưng ông Minh lại cho rằng, khó khăn quá, thị trường cần gì thì phải đáp ứng thứ đó, quan trọng là có lời. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất nguyên con cho biết, không có lời, chỉ duy trì việc làm cho công nhân.

>> Đến hội nghị, Giám đốc HTX Nuôi cá tra Thới An – Nguyễn Ngọc Hải cầm theo “Bức tâm thư gửi lãnh đạo Đảng”. Thư có đoạn: “Nông dân bán cá tra cho doanh nghiệp chỉ nhận được tờ giấy hợp đồng, doanh nghiệp trả tiền trễ hẹn nhiều tháng hoặc kéo dài hàng năm, giá trị nhiều tỷ đồng, nông dân phải nộp lãi hàng tháng cho ngân hàng. Việc xảy ra hơn chục năm qua chẳng ai làm được gì, pháp luật chẳng chế tài được. Thế nên doanh nghiệp nuốt chửng người nuôi cá”.

Sáu Nghệ - Trường Ca

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!