Các bệnh thường gặp trên cá hồi vân nuôi bể và cách phòng trị

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dưới đây là một số bệnh phổ biến thường gặp ở cá hồi vân nuôi trong bể. Việc phát hiện sớm và tìm ra các biện pháp phòng và điều trị là vô cùng cần thiết, nhằm giảm các thiệt hại không đáng có trong quá trình nuôi.

Bệnh nấm 

Tác nhân gây bệnh: Dermocystidium sp, Branchiomyces sp. Các bào tử nấm bám vào mang, da làm cho cá bị thương, cản trở hô hấp. Cá giảm ăn, bơi lờ đờ, bỏ ăn, yếu và chết. Trước khi có dịch nấm, một hoặc nhiều các tình huống sau đây xuất hiện trước: môi trường bị ô nhiễm, mật độ nuôi quá cao, xác cá chết không được loại bỏ kịp thời, mực nước quá thấp. 

Trị bệnh: Cách 1: Dùng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 5 – 7 g/m3 trong thời gian 10 – 15 phút. Sử dụng máy sục khí, quạt nước trong quá trình điều trị. Ngâm nhắc lại sau 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày với liều lượng 2 – 3 g/m3. Cách 2: Dùng hóa chất Bronopol hoặc các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để điều trị nấm, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

Bệnh do vi khuẩn 

Bệnh nhọt (Furunculosis): Do vi khuẩn Aeromonas salmonicida. Bệnh nhọt là một bệnh bao gồm cả giai đoạn cấp tính và mãn tính với nhiều biểu hiện lâm sàng. Bệnh thường xuất hiện và phát triển như một dạng nhiễm trùng máu và gây tử vong cho cá. Cá bị nhiễm bệnh thường thấy xuất hiện nhọt trên trên cơ thể, da cá có màu đen sẫm. Cá có thể rơi vào tình trạng hôn mê, bỏ ăn. 

Sự xuất huyết xảy ra ở các vây, ruột cá bị viêm. Các vách ngăn trong khoang bụng cá cũng có dấu hiệu xuất huyết. Bệnh lan truyền chủ yếu từ cá bị nhiễm bệnh và nguồn nước ô nhiễm. Bệnh gây chết cho cá ở mọi lứa tuổi và gây thiệt hại nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu. Bệnh thường xuất hiện khi cá bị căng thẳng, bởi sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, nuôi với mật độ quá cao, chất lượng nước kém hoặc cá bị các tổn thương ở da cũng là nguyên nhân làm cho cá dễ nhiễm bệnh. 

Biện pháp phòng ngừa: Nuôi đúng mật độ, quản lý tốt chất lượng nước. Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn ví dụ như Oxytetracycilne. Người nuôi nên liên hệ với các cán bộ thú y thủy sản, các cơ quan chuyên môn tại địa phương để được hướng dẫn, tư vấn; lấy mẫu xét nghiệm làm kháng sinh đồ để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. 

Bệnh liên cầu khuẩu: Tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Streptococcus spp gây ra. Khi bị nhiễm khuẩn, cá bơi lờ đờ trên tầng mặt, nghiêng mình trên mặt nước và quay tròn một vài vòng sau đó tử vong. Mắt cá bị lồi, hậu môn sưng đỏ; giải phẫu trong xoang bụng chứa nhiều dịch. Trị bệnh: Khử nước bằng Iodine, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Liên hệ với các cán bộ thú y thủy sản, các cơ quan chuyên môn tại địa phương để được hướng dẫn, tư vấn; lấy mẫu xét nghiệm làm kháng sinh đồ để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. 

Bệnh do vi khuẩn Vibrio (Vibriosis): Đó là vi khuẩn Vibrio anguillarum. Cá nhiễm bệnh có biểu hiện chán ăn và bơi lội thất thường, vây và khu vực xung quanh lỗ huyệt, hậu môn và cả miệng cá có màu đỏ. Đôi khi có sự chảy máu ở miệng và mang. Nội tạng bên trong của cá có màu nhạt do mất máu. Bệnh lan truyền trong nước từ cá nhiễm bệnh cho cá khỏe mạnh. Tỷ lệ chết cao. Bệnh hay xuất hiện khi nhiệt độ nước thấp và giảm nhiệt độ một cách đột ngột và phương pháp quản lý kém. 

Biện pháp phòng ngừa: Sử dụng biện pháp phòng ngừa chung như quản lý môi trường thật tốt. Dùng kháng sinh trộn với thức ăn để trị bệnh tuy nhiên phương pháp này gặp khó khăn là khi cá bị bệnh thường bỏ ăn nên việc phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để điều trị rất quan trọng. Phương pháp dùng vaccine cũng là một trong những cách hiệu quả để phòng trị bệnh. 

Bệnh thận (BKD): Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Corynebacterium gây ra. Cá có thận bị đốm trắng, gan và thận bị xuất huyết, bơi gần mặt nước, sắc tố chuyển màu đen. Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh có gốc Oxytetracycilne hoặc Sulfamerazine.

Bệnh thối mang: Tác nhân gây bệnh là do vi 

khuẩn Myxobacterium gây ra. Dấu hiệu bệnh lý là cá bỏ ăn, mang sưng đỏ và xuất huyết, các sợi mang dính vào nhau. Trị bệnh: Sục khí và sát trùng, lọc nước loại bỏ chất chứa vi khuẩn. 

Sán lá đơn chủ 

Tác nhân gây bệnh: Do ký sinh trùng Gyrodactylus sp gây ra. 

Dấu hiệu bệnh lý: Ký sinh trùng bám vào vây đuôi, vây lưng và ăn mòn các phần trên 

Trị bệnh: Tắm Formaline, Bropol; đồng thời cho ăn Praziquantel, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

Bệnh do virus 

Một số bệnh do virus như: Infectious Pancreatic Necrosis (IPN); Viral Haemorrhagic Septicamia (VHS); Infectious Haematopoietic Necrosis Virus (IHN); Infectious Salmon Anaemia Virus (ISA). Phương pháp phòng ngừa là tốt nhất. 

Hoàng Ngân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!