Từ đầu năm 2020 đến nay, người chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Cần Đước (Long An) gặp nhiều khó khăn do giá gà giảm (giá gà vườn dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg) và tiêu thụ chậm, khiến người dân khó quay vòng vốn, nhiều người đã phải tạm dừng nuôi tái đàn.
Người chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Cần Đước đang gặp nhiều khó khăn do giá gà, trứng giảm
Chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ xã Tân Lân, có quy mô chăn nuôi gà lớn, mỗi lứa từ 1.000 – 1.500 con. Chị Thanh nói: “Lâu nay, phần lớn lượng gà thịt nuôi đều được tiêu thụ chủ yếu phục vụ đám tiệc. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, mọi hoạt động bị hạn chế nên lượng gà tiêu thụ giảm mạnh. Trước đây, mỗi lứa gà khoảng 1.000 con, chỉ bán trong vòng 3 tháng là hết nhưng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng gà tiêu thụ đợt này giảm và kéo dài nhiều tháng liền; đồng thời giá gà giảm khiến cho việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước đây nuôi 1.000 con gà có lãi khoảng 40 triệu đồng thì nay không có lãi, chỉ đủ chi phí thức ăn và nhân công”.
Theo những người nuôi gà, mỗi lứa gà thịt từ khi nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 3 tháng. Thời điểm gà xuất chuồng sẽ có trọng lượng khoảng 1,5 – 2 kg/con, nếu nuôi kéo dài thì trọng lượng tăng thêm không đáng kể, chỉ khoảng 0,1 – 0,2 kg/tháng. Nhưng giai đoạn trưởng thành này, gà ăn rất nhiều, chi phí rất tốn kém. Bình quân mỗi tháng, 1.000 con gà trưởng thành sẽ ăn 60 bao cám với giá khoảng 250.000 đồng/bao. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên mỗi lứa gà phải nuôi kéo dài thêm cả tháng, đội chi phí lên cao. Bên cạnh đó, do thị trường tiêu thụ chậm nên giá gà cũng đang giảm mạnh.
Không chỉ tiêu thụ gà thịt gặp khó, việc tiêu thụ trứng gà cũng bị ảnh hưởng không kém. Hiện giá trứng gà giảm chỉ còn 23.000 đồng/chục. Bà Nguyễn Thị Còn – chủ trang trại nuôi trên 12.000 con gà đẻ trứng ở xã Tân Lân, cho hay: “Hiện nay, trứng gà tiêu thụ chậm. Trước đây, trong 1 – 2 ngày, tôi bán 1.000 – 2.000 trứng. Còn nay, số lượng tiêu thụ giảm hơn rất nhiều”.
“Trong tình hình sức tiêu thụ chậm như hiện nay, nhiều hộ nuôi gà đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động sản xuất, như thay đổi khẩu phần ăn, không cho ăn thức ăn tổng hợp mà thay thế bằng các loại rau, củ, cố gắng tìm hiểu thêm nhiều kênh tiêu thụ như rao bán trên Facebook, Zalo,… Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, nhiều hộ nuôi đã lựa chọn giảm đàn, không nuôi tái đàn” – bà Còn nói thêm.
Ngoài những bất lợi về giá cả và thị trường, hiện nay, địa phương khuyến cáo người dân chú ý phòng ngừa bệnh trên gia cầm và vệ sinh, tiêu độc chuồng trại để không xảy ra dịch bệnh gây thêm thiệt hại,… Ngoài thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dự tính trước về sức mua…, người dân cần chủ động liên kết với các đơn vị tiêu thụ, cải tiến quy trình chăn nuôi, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tránh được sự bấp bênh về đầu ra cho sản phẩm./.