T2, 06/07/2020 09:54

Câu mực tầng đáy: Hướng đi mới cho cư dân ven biển

Chưa có đánh giá về bài viết

So với nhiều nghề truyền thống trong khai thác, đánh bắt thủy sản ở Cà Mau như: lưới cào, lưới vây, đẩy te… thì câu mực tầng đáy là một nghề mới. Nghề này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân mà còn góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, ít xâm hại môi trường biển.

Chuyến cặp bến giữa tháng 7 vừa rồi, tàu của gia đình ông Nguyễn Hữu Phước (Ba Phước), ở thị trấn Rạch Gốc, đưa về gần 1 tấn mực, bán được gần 100 triệu đồng. Riêng chủ tàu thu được khoảng 60 triệu đồng, các ngư phủ đều thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người.

Thu nhập cao, ai nấy đều phấn khởi, tích cực bám biển. "Trước đây, cứ sau chuyến biển dài ngày tìm lao động cho chuyến tiếp không dễ. Còn nay, người làm công tự tìm đến với chủ tàu", ông Ba Phước bộc bạch.

 

Đầu tư ít, lợi nhuận cao

Ngư dân soạn đồ nghề chuẩn bị ra biển câu mực.

Lợi thế của nghề câu mực là vốn đầu tư ít. Bình quân một chiếc tàu khoảng 150 CV có khoảng 5 – 7 ngư phủ và 1.000 câu là có thể thu về khoảng 100 triệu đồng/chuyến biển (khoảng 7 – 10 ngày). Mùa vụ khai thác thì quanh năm (nhiều nhất vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 12). Đa số mực ống sống ở độ sâu gần 100 m nước, tập trung nhiều nhất ở vùng nước sâu khoảng 30 – 50 m. Ngoài ra, còn có một số loài thường sống ở các vùng biển khơi với độ sâu hơn 100 m nước.

Đồ nghề trong một chuyến câu mực thật đơn giản, chỉ cần 1 cái vợt, những cuộn dây câu và mấy chiếc rường câu với con tôm giả đầy màu sắc làm bằng chì hoặc nhựa phản quang, có gắn chùm móc câu phía dưới. Thân rường được quấn giấy kim tuyến xanh, đỏ, tím, vàng để dễ bắt ánh sáng đèn và dụ mực đến.

Mực ống là động vật nhạy cảm với biến đổi của điều kiện thủy văn, thời tiết và ánh sáng nên có sự di chuyển theo mùa, ngày và đêm. Nhìn chung ban ngày, do lớp nước bề mặt bị ánh sáng mặt trời hun nóng, làm nhiệt độ nước tăng lên, mực ống thường lặn xuống dưới đáy hoặc lớp nước tầng dưới. Đây là điều kiện thuận lợi để nghề câu mực tầng đáy phát triển.

Ông Ba Phước là một trong những người tiên phong trong nghề, "tiết lộ": "Trước đây tôi kinh doanh tôm sú bố mẹ, nguồn nước ngày càng ô nhiễm nên kinh doanh không lãi nhiều. Hằng ngày tôi thấy các tàu câu mực ở Kiên Giang đậu cặp nhà, thu nhập cao nhờ nghề câu mực. Họ giấu nghề kỹ lắm, tôi canh lúc họ lên bờ uống cà phê, tôi lẻn qua tàu và cắt dây câu về để mày mò học hỏi. Từ đó, nghề câu mực tầng đáy bắt đầu phát triển ở vùng biển Cà Mau".

Liên tiếp mấy tháng qua, hàng chục ngư dân hành nghề câu mực tầng đáy ở Ngọc Hiển có nguồn thu nhập khá nhờ trúng mùa mực và trúng giá. Hiện giá mực ống dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Bình quân mỗi chuyến ra khơi (khoảng 7 – 10 ngày), mỗi tàu cũng thu về từ 50 – 70 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Theo đó, bình quân 1 ngư phủ cũng có thu nhập từ 3 – 6 triệu đồng. Chính từ thu nhập hấp dẫn này mà hiện toàn thị trấn Rạch Gốc đã có khoảng 20 chiếc nghe chuyên nghề câu mực tầng đáy (bình quân mỗi ghe khoảng 5 – 7 người câu).

 

Cần nhân rộng

Thị trấn Rạch Gốc có 176 hộ dân sống bằng nghề khai thác biển. Toàn thị trấn có 202 phương tiện đánh bắt, trong đó có 52 phương tiện đánh bắt xa bờ. Anh Nguyễn Văn Dẽn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc, cho biết, trong khi nghề khai thác biển gần bờ đang là mối lo lớn đối với chính quyền địa phương trong vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thì nghề câu mực đáy ra đời bước đầu mở hướng thoát nghèo cho một số hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, khai thác biển. Tuy nhiên, vì là nghề mới nên vấn đề hỗ trợ vốn, kỹ thuật còn hạn chế. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các ngành có liên quan cần sớm có kế hoạch hỗ trợ để ngành nghề này được nhân rộng, phát triển.

Anh Tạ Thanh Hùng, một trong những chủ tàu câu mực ở Rạch Gốc, cho biết, hiện cửa biển Rạch Gốc có khoảng 50 tàu câu mực từ Kiên Giang qua khai thác trên vùng biển Cà Mau. Trong khi đó, tàu của ngư dân Cà Mau thì có công suất nhỏ, lại ít (chỉ khoảng 20 chiếc). Chính từ sự chênh lệch này đã khiến ngư dân Cà Mau thiệt thòi.

Trong khi nguồn lợi vùng biển tại chỗ dồi dào, nhưng do thiếu vốn nên không có tàu công suất lớn, không ra được xa nên sản phẩm thu về cũng không bằng tàu Kiên Giang. “Trong khi tàu Kiên Giang mỗi chuyến ra khơi họ dự trữ được khoảng 200 cây đá, trên 1.000 lít dầu, công suất máy khoảng 200 CV; còn tàu mình thì công suất chỉ khoảng trên 100 CV nên phải thường xuyên chạy vào bờ để nạp nhiên liệu và để lấy nhu yếu phẩm, bán sản phẩm. Chính sự vào ra thường xuyên này đã làm giảm lợi nhuận đi rất nhiều", anh Hùng so sánh.

Đây là nghề mới, phát triển tự phát ở Cà Mau nên đến nay vẫn chưa có sự quản lý, kiểm soát và đầu tư của Nhà nước. Trong khi đó, nghề này vốn đầu tư ít, gần như không xâm hại, tác động đến môi trường và có khả năng giúp ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt ven bờ gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản. Hơn nữa, nghề câu mực tầng đáy có thể đầu tư để trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, biển – đảo lý thú phục vụ du khách khi đến tham quan du lịch Cà Mau.

Ngọc Huệ

Theo Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!