Theo dự kiến, năm nay sản lượng tôm thu hoạch của tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, người nuôi đang kém vui vì giá tôm dù đã tăng nhưng vẫn chưa như mong đợi.
Giá tôm TTCT loại 30 con/kg có giá 150.000 – 160.000 đồng/kg
Nuôi hiệu quả
Năm nay, Sóc Trăng đề ra kế hoạch thả nuôi 49.700 ha tôm nước lợ; trong đó, tôm sú là 23.000 ha và TTCT là 26.700 ha, sản lượng 138.000 tấn. Tính đến tuần đầu tháng 8, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 42.000 ha, bằng 82,3% kế hoạch và 101,4% so cùng kỳ; trong đó, diện tích thả nuôi TTCT gần 29.000 ha. Ước sản lượng thu hoạch của gần 13.000 ha khoảng 55.000 tấn, bằng 121,6% so cùng kỳ. Với diện tích thiệt hại ư4.000 ha, hiện Sóc Trăng đang còn trên dưới 25.000 ha tôm nuôi chưa thu hoạch. Trong khi đó, khung lịch thời vụ nuôi TTCT đến cuối tháng 9 mới kết thúc, nên nếu không có biến động lớn về dịch bệnh, môi trường hay thời tiết, diện tích, sản lượng tôm năm 2019 của Sóc Trăng chắc chắn sẽ vượt xa kế hoạch.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, nhìn chung ở vụ nuôi năm nay, người dân đã tuân thủ khá tốt lịch thời vụ do ngành khuyến cáo nên dịch bệnh chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ lẻ. Tính đến đầu tháng 8, tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại chỉ khoảng 9,5% so với diện tích thả nuôi; trong đó, thiệt hại do dịch bệnh chỉ chiếm 38,5% còn lại là do biến động môi trường. Qua kết quả quan trắc môi trường, dịch bệnh cho thấy, từ nay đến cuối vụ, các yếu tố môi trường vẫn là tác nhân chính gây thiệt hại tôm nuôi; đồng thời, bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp theo dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.
Nhìn vào diễn biến trên cho thấy khả năng thành công ở vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019 của Sóc Trăng là rất cao. Tuy nhiên, cả người nuôi lẫn ngành chức năng của tỉnh đều thừa nhận, thành công ở vụ tôm năm nay chỉ mới đạt một nửa, chí ít là cho đến thời điểm hiện tại, mà nguyên chủ yếu là do giá tôm duy trì ở mức thấp khá lâu. Từ đầu tháng 7 đến nay, giá TTCT loại 100 con/kg tại Sóc Trăng tuy có tăng lên nhưng cũng chỉ quanh quẩn mức 78.000 – 82.000 đồng/kg, còn tôm loại 50 con/kg cũng chỉ có giá 105.000 đồng/kg. Riêng TTCT cỡ lớn ít có sự biến động hơn, thậm chí có sự tăng mạnh. Hiện tại, giá tôm TTCT loại 30 con/kg có giá 150.000 – 160.000 đồng/kg, còn loại 20 con/kg giá lên đến 190.000 đồng/kg.
Phân hóa lợi nhuận
Chênh lệch khá lớn về giá giữa các kích cỡ tôm đã tạo nên sự phân hóa mạnh về lợi nhuận ở người nuôi. Ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX tôm – lúa Hòa Đê của huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho việc thả nuôi nhưng những hộ nuôi TTCT bán thâm canh hay quảng canh cải tiến phần lớn đều không có lời, một số bị thua lỗ. Nguyên nhân là do những mô hình này chủ yếu thu hoạch tôm từ 50 – 100 con/kg, trong khi giá tôm loại này rất thấp, còn chi phí đầu vào hầu hết đều tăng cao”. Trong khi đó, những hộ nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt nuôi theo mô hình CPF – Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hầu hết đều thắng đậm nhờ thu hoạch tôm cỡ lớn (20 – 30 con/kg) bán được giá cao.
Thực tế cho thấy, hầu hết những hộ còn nuôi TTCT ao đất hoặc ao lót bạt bờ đều không mấy thành công, cho dù mật độ thả nuôi có giảm xuống dưới 100 con/m2 thì cũng khó nuôi về cỡ lớn 20 – 30 con/kg. Trái lại, những hộ nuôi TTCT lót bạt đáy, có hệ thống xi phông đáy, xử lý và cấp nước tốt lại thành công cao. Những hộ nuôi tôm theo mô hình này cho biết, với giá tôm từ tháng 7 đến nay, nếu nuôi đạt năng suất và tôm đạt cỡ lớn mức lợi nhuận thấp nhất cũng phải 30%, còn trung bình phải từ 50% trở lên. Do đó, trong cộng đồng người nuôi tôm đã có sự phân hóa khá rõ nét về mức lợi nhuận ở vụ tôm này.
>> Theo khung lịch thời vụ của tỉnh Sóc Trăng, thời gian thả nuôi ở vụ tôm năm nay đến 30/9 mới kết thúc, nhưng qua ghi nhận từ thực tế cho thấy, hiện hầu hết hộ nuôi nhỏ lẻ đều đã ngưng thả giống do lo ngại thời tiết cuối năm thất thường và nhất là tình hình giá tôm không mấy khả quan. |
Mai Trường