T2, 07/02/2022 10:57

Con dâu tuổi Dần

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bữa chú Tư Tánh xuất viện trở về nhà. Xóm giềng lắc đầu thở dài ngao ngán nói, cản thế nào cũng không được thì cho chết cũng vừa. Chú Tư Tánh đột nhiên bị tai biến nhưng nhờ phát hiện kịp thời nên lượm lại được cái mạng. Má chồng Út Mót đấm lên ngực thình thịch, khóc không thành tiếng. Út Mót ngồi cạnh giường bệnh canh cho ba chồng, mặc kệ những tiếng xì xầm bên tai. Ngó thấy vợ lầm lũi cúi mặt xuống, Hai Thành thương đứt ruột đứt gan mà chẳng dám tiếp một lời nói đỡ.

Hôm cưới Út Mót, thím Tư nhất quyết không chịu bưng theo mâm cau trầu qua đàng gái. Lúc lên đôi đèn trên bàn thờ gia tiên, thím cũng nhất quyết để cho thằng con trai mình thắp trước. Thím cũng không quên đứng cạnh cửa buồng vén màng nhắc thằng con trai “hễ thấy cây đèn của vợ mày cháy cao hơn là phải thổi cho nó tắt nha”. Người ta đồn, cứ hễ lên đôi đèn trước bàn thờ gia tiên, cây đèn nào cháy cao hơn thì người đó sẽ nắm quyền. Vì lỡ thường nên đành chấp nhận những đòi hỏi vô lý của má chồng, Hai Thành cũng năn nỉ ỉ ôi đàng gái mới không bỏ về giữa đám. Để cưới được Út Mót, anh Thành đã phải lếch muốn rách đáy quần thề thốt đủ điều mới lay động được chú thím Tư. Nhưng từ cái buổi nhận được cái gật đầu của chú thím, anh Thành phải làm đủ thứ việc trên đời, Út Mót thì có làm cái gì cũng không thể nào vừa mắt thím. Thím luôn tìm đủ mọi cách làm khó dễ nhà gái. Thậm chí bữa rục rịch ngồi sui bàn chuyện mâm bàn, thím ngó lơ như không có chuyện gì, như thể mấy con vịt ngoài sân mới đủ sức làm thím bận lòng. Hai Thành phải năn nỉ dữ lắm ba má vợ mới chịu ngồi lại “nói chuyện với đầu gối”. Mọi chuyện được giao hết cho đàng gái, chỉ có những lúc đúng chạm tới rước dâu, mâm cau trầu, thím Tư mới mở miệng. Chú thím Năm nuốt cục tức vào trong với những đòi hỏi vô cớ của nhà trai nhưng vì thương con gái, thương thằng rể hiền khô nên chú thím đành mắt nhắm mắt mở cho qua.

Út Mót về nhà độ chừng ba tháng đã cấn bầu. Hai Thành đứng ngồi không yên khi thấy vợ bị hành thiếu điều không ngốc đầu lên nổi. Hàng xóm chỉ không biết bao nhiêu cách mà Út Mót vẫn bị hành lên bờ xuống ruộng, chồng kho cá sau bếp mà cô vợ ở nhà trên đã ói một cách ngon lành. Ngửi thấy mùi tanh là ói tới mật xanh. Thím Tư nhìn cảnh đó mà lắc đầu.

– Nhỏng nhẽo với chồng thì có. Chứ hành kiểu gì? Tui có năm, sáu mặt con nè. Có đứa nào hành đến vậy đâu.

Hai Thành giành hết mọi công việc lớn nhỏ trong nhà. Thỉnh thoảng, Út Mót thấy khỏe trong người cũng gắng gượng hụ hợ chuyện lặt vặt trong nhà. Đến tháng thứ Năm đứa trẻ trong bụng mới thôi hành hạ Út Mót. Từ đấy mọi việc trong nhà Út Mót đều cố gắng chu toàn, mặc dù cái bụng to è ạch. Hàng xóm vẫn xì xào lời ra tiếng vào về cô con dâu tuổi dần trong nhà thím Tư. Cứ hễ gia đình có chuyện xui rủi hay thất bại gì, người ta cũng đinh ninh cái tuổi dần gây họa. Nhiều lần thím Tư còn nói thẳng mặt Út Mót “từ khi nhà này có tuổi dần, làm ăn không ngốc đầu lên nổi”. Những lúc ấy, Út Mót chỉ biết cúi gầm mặt xuống đất se hai vạt áo vào nhau. Hai Thành thương vợ nhưng cũng không nói được lời nào. Vì có nói thì cũng không thể thay đổi được thái độ nghi kỵ của thím Tư. Hai Thành chỉ biết ôm vợ vào lòng, kể chuyện bữa nay ngoài ruộng anh thấy con chim gì, nhà bà Chín Xước heo đẻ mấy con, cái trại xuồng vì đâu mà bị cháy… Hiểu được chút tâm tư của chồng, Út Mót chỉ nhìn chồng cười như thể những lời nói của bà má chồng chưa từng được thốt ra.

***

Thằng con trai của Út Mót làm khó mẹ nó từ lúc mang thai đến lúc lọt lòng. Siêu âm không biết bao nhiêu lần mà thằng nhỏ cũng không chịu “quay đầu”. Hai Thành đành đưa vợ lên thành phố mổ. Bữa hai vợ chồng Út Mót lên thành phố, hàng xóm đưa câu chuyện con dâu của thím Tư sinh khó lan ra khắp xóm. Họ độ từ ngày rước con dâu tuổi dần về, nhà thím Tư liên tục xảy ra chuyện. Ông thầy bói mù ở xóm trên cũng nhất quyết khi lần đốt tay nhẩm tính vận mệnh. Thím Tư nhìn Hai Thành nghiến răng kèo kẹo.

– Cháu nội tao có bề gì. Tụi bây biết tay tao.

Chú Tư chấp tay sau đít đi qua đi lại muốn mòn lộ, miệng nhẩm nhẩm mấy lời khấn vái. Vợ chồng chú thím Tư quả quyết sau vụ này phải đặt mâm bàn cúng kiếng cho mọi chuyện êm xui. Thằng Tốt ra đời trong tiếng thở phào nhẹ nhỏm của hai bên. Từ ngày có thằng Tốt, thím Tư cũng bớt cằn nhằn với Út Mót. Thím cưng thằng nhỏ như trứng mỏng, chú Tư cũng bỏ luôn mấy cuộc cờ ở nhà canh thằng cháu nội đái để nựng cái của quý thằng cháu đích tôn.

Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì một bữa đi đám ở miệt Đồng Năng về, chú Tư bị tai biến liệt nửa người. Hàng xóm được một phen nhắc nhau tuyệt đối không được cưới con dâu tuổi dần. Thím Tư ngồi bên giường bệnh chú Tư khóc ngất, Hai Thành không dám cãi bật lại lời nào, chỉ đứng nhìn vợ cúi mặt. Tiếng thằng cháu đích tôn khóc không còn là niềm háo hức của cả nhà. Mấy bữa Hai thành phải ẵm thằng nhỏ sang nhà bên cạnh để tránh nó quấy khóc làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của chú Tư. Suốt mấy tháng chú Tư nằm trên giường bệnh, Út Mót đều tận tình chăm sóc, không than vãn nửa lời. Thím Tư đi chùa mấy bận, tụng kinh suốt ngày, trừ lúc thím Tư nhắm mắt tụng kinh ra, Út Mót mới dám ngẩng đầu lên. Mọi lỗi lầm, tai ương dường như trút hết lên đầu của Út Mót. Sau mấy tháng thều thào trên giường bệnh, chú Tư cũng lần giường ra phơi nắng sớm. Ngắm nhìn thằng cháu nội chập chững bước đi.

Thím Tư ngồi trong nhà nhìn đám cưới bên sông rộn ràng, hàng xóm đi đám về ai nấy cũng đều khen “hai đứa nhỏ tuổi tốt gì đâu. Thế nào cũng ăn nên làm ra”. Thím Tư thở dài nhìn ngổn ngang trong nhà, Út Mót biết chuyện nên cũng không dám xuất hiện nhiều trước mặt má chồng. Căn nhà nhỏ bỗng chốc rộng thênh thang.

***

Đến tháng thứ năm, người trong xóm bắt đầu nghe tiếng cãi nhau, tiếng đập đồ liệng ra khỏi sân. Thím Tư chấp tay sau đít nhìn qua cảnh vợ chồng hạp tuổi rượt đánh nhau khắp nhà. Ông bà già chồng bị bỏ lại phía sau, lúc con dâu giận trong người hắt mâm cơm vào người. Ông bà già nắm níu nhau đứng dậy nhìn con dâu cầm hột quẹt hăm he đốt nhà. Bác Chín Bé phì phà khói thuốc “nó có coi ba má chồng nó ra cái gì đâu”. Người trong xóm quen dần với những tiếng ồn ào, cãi nhau. Ngó tới ngó lui, Út Mót về làm dâu cũng gần ba năm. Trong suốt thời gian đó, chưa một lần Út dám cãi lại lời bá má hay làm phật lòng bất cứ ai. Dường như con “hổ” trong người của Út Mót không dữ như người ta nói.

Thím Tư nhìn trận cãi nhau cuối cùng bên sông vào một ngày mưa gió. Con dâu gom đồ bỏ đi để lại một đống “hụi chết” cho ông bà già, kèm câu nói gọn đeo “già mà ăn uống hàm hồ”. Ông thầy mù xóm gặp ai cũng phân trần.

– Tại tuổi tốt mà giờ sinh khắc nhau mới như vậy!

Đám con gái tuổi dần trong xóm nói, nhìn cảnh Út Mót không dám lấy chồng, chắc phải “ở giá cho má nhờ”. Sau đợt tai biến chú Tư không còn làm việc nặng được, đất vườn đều giao lại cho Hai Thành. Hằng ngày chú chỉ chăm lo cây cảnh trong nhà với mấy con chim hót từng bừng lúc thằng cháu nội của chú cầm cây thọt vào lồng.

Bữa thím Tư bị đau ruột thừa chuyển lên tuyến trên. Cả xóm xì xào về số kiếp tai ương của đứa con dâu tuổi dần đem lại. Lúc chuyển thím Tư lên xe, thím còn kéo vạt áo lên lau nước mắt, nhìn đăm đăm đứa con dâu. Hàng xóm dặn đi dặn lại Út Mót.

– Má bây mổ xong là về liền nha. Bỏ bả trên đó một mình rồi về nghen. Trên đó dịch bệnh ghê lắm. Mà có về thì ở nhà luôn chứ đừng có ra khỏi nhà lây bệnh cho người ta.

Út Mót chỉ nhìn hàng xóm cười cười rồi theo má chồng lên xe chuyển đi. Mổ xong, thím Tư một mực kêu Út Mót về nhà, còn dặn đi dặn lại “có gì ra chòi ở một mình. Đừng có lại gần thằng con”. Út Mót chỉnh lại khẩu trang cho thím Tư.

– Con ở đây luôn. Đợi chừng nào bác sĩ cho về thì má con mình về chung luôn. Chứ bỏ má ở đây một mình sao được.

Thím Tư phát tay.

– Thôi! Dịch bệnh kiểu này, về nhà cho nó an toàn. Ở đây càng ít người càng tốt.

Dẫu cho thím Tư có nói cỡ nào thì Út Mót cũng quyết lòng ở lại với má chồng. Suốt những ngày ở bệnh viện, ai nhìn thím Tư cũng khen “số có phước, được con dâu lo lắng hết lòng”. Nhìn quanh quẩn giường bệnh, có người phải nằm thui thủi một mình không có người chăm lo vì dịch bệnh, có người bị con cái “bỏ quên” sau mấy lần chia của không đều. Thấy cảnh đó mà thương, Út Mót chăm lo cho cả những người bên cạnh giường bệnh của má chồng.

Thím Tư xuất viện vào những ngày cuối năm, khi không khí Tết đã cận kề. Hàng xóm không dám qua thăm chỉ đứng nhìn ngoài cửa hỏi vọng vào. Vừa về đến nhà, Út Mót đã tất bật chuẩn bị trong nhà trong cửa để đón Tết. Dịch bệnh khó khăn nên không khí cũng bớt rộn ràng hơn mọi năm. Nhưng nhà cửa được Út dọn dẹp kỹ càng, sạch sẽ. Chú Tư với thằng cháu nội quấn nhau không rời, những tiếng nói cười rộn rã, nét mặt của thím Tư cũng giãn ra. Nghĩ, có đi hết cái xứ này cũng khó kiếm được cô con dâu như nhà thím. Ngang sông xéo cửa thì con dâu hổn hào rượt đánh chồng, ngoài ngã tư thì có con dâu một mực đòi dọn ra ở riêng, ở đầu xóm thì có đứa đòi lên nắm quyền chia tài sản. Nghe đâu toàn tuổi “tam hạp”. Hàng xóm phe phẩy nón lá trên tay đứng trước sân nói vọng vào.

– Đó thấy chưa? Tui nói rồi mà, có con dâu tuổi dần như chứa sao Kế Đô, La Hầu trong nhà.

Thím Tư buông đòn bánh tét đang gói trên tay xuống.

– Giờ có cho tôi trăm cây vàng kêu đổi con dâu, tôi còn không đổi nữa chứ.

Cơn gió xuân nhẹ nhàng thổi qua làm xôn xao bờ lá. Những tia nắng xuân lung linh trước sân nhà. Mái nhà quê chập chờn khói bếp, cô con dâu tuổi dần khẽ mỉm cười thật tươi. Lúc đó Hai Thành đã rưng rưng nước mắt…

Truyện ngắn của Nguyên Khôi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!