Sau thời gian dài thua lỗ, giá nguyên liệu cá tra đã nhích lên, giữa lúc cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều đuối sức. Cá trong ao đã cạn, người nuôi bỏ cuộc, doanh nghiệp lắc đầu trong bối cảnh nhu cầu thị trường đang có dấu hiệu hồi phục.
Cá cạn ao, dân cạn vốn
Theo Tổng cục Thủy sản, giá thành sản xuất cá tra quý 1/2013 là 23.000 – 24.000 đồng/kg, trong khi giá cá nguyên liệu 20.000 – 22.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg; quý 2 và 3, giá bán 19.000 – 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Dự báo quý 4, giá cá tra nguyên liệu chỉ khoảng 20.000 đồng/kg.
Không những bán cá lỗ, người nuôi còn bị doanh nghiệp “om” vốn. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An (Cần Thơ) phản ánh: Người nuôi cá chịu thiệt đủ đường, cá bán khó, doanh nghiệp mua trả chậm, người nuôi đã lỗ lại phải còng lưng gánh lãi suất ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Tạch, một người nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, An Giang cho biết, nếu doanh nghiệp mua ký nợ 45 ngày qua ngân hàng bảo lãnh thì giá cá 19.000 – 19.500 đồng/kg; nhưng nếu bán tại ao, trả tiền ngay thì chỉ còn 17.000 – 18.000 đồng/kg.
Nông dân nuôi cá càng nuôi càng lỗ, càng bán càng nhanh “treo ao”, khiến họ không còn mặn mà với cá tra, hệ lụy là việc cung-cầu mất cân bằng như hiện nay. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp chế biến tìm đến tận ao mua cá nguyên liệu, tăng giá mua nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp chế biến rơi vào tình trạng “hấp hối”. Thực trạng này ngành cá tra buộc phải gánh chịu và khó hóa giải được, vì cá tra đang sắp vào vụ nghịch.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho biết, sản lượng cá tra nguyên liệu đang giảm mạnh, từ quý 4 sẽ thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, trước thông tin này, người nuôi lại rất cảnh giác. Ông Trần Văn Hùng, một người nuôi cá tra tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: Cách đây mấy năm, doanh nghiệp cũng kêu cá khan hiếm, dự báo giá tăng mạnh, nhưng đây chỉ là chiêu dụ của họ.
Doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng
Qua khảo sát cho thấy, sản lượng nguyên liệu cá tra phục vụ xuất khẩu trong những tháng tới sẽ giảm ít nhất 40 – 50% so cùng kỳ năm ngoái, do người dân bỏ ao trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu không đủ tiền tự nuôi cá và hệ lụy nhãn tiền là có thể hàng loạt nhà máy phải ngưng hoạt động…
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang cho biết, Công ty của ông vừa phải từ chối một khách hàng với sản lượng cá nhập khẩu tăng 3 lần so với trước. Bởi, hiện Công ty không thể mua đủ lượng cá để chế biến, cộng với giá cá ngày một tăng nên sẽ dễ gặp rủi ro nếu cố.
Không những bán cá lỗ, người nuôi còn bị doanh nghiệp “om” vốn – Ảnh: An Đăng
VASEP cho biết, 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 985 triệu USD, giảm 0,6% so cùng kỳ năm 2012. Giá trị xuất khẩu chỉ giảm nhẹ nhưng giá xuất lại giảm đáng kể. Và nguyên nhân được chỉ đích danh là hiện có quá nhiều đầu mối tham gia xuất khẩu.
Ông Dương Ngọc Minh cho biết, đến tháng 7/2013 đã có 160 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, đến 90 doanh nghiệp thương mại, không có nhà máy chế biến và chào giá fillet dưới 2 USD/kg. Đây chính là yếu tố làm nhiễu loạn thị trường. Để loại bỏ được vấn đề này, cần siết chặt quản lý hơn nữa ngành cá tra, đặc biệt là đưa cá tra thành ngành kinh doanh có điều kiện.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), để giải quyết bài toán thiếu – thừa như hiện nay, cần kiểm soát được đầu mối xuất khẩu. Bởi, chúng ta dư sản lượng bán nhưng giá lại do người mua quyết định. Nghịch lý này đã xảy ra nhiều năm, nhiều người đã lên tiếng, nhưng dường như… nói xong để đấy. Do vậy, cần phải làm cuộc “đại phẫu” từ gốc đến ngọn, chỉ khi đó trên thương trường, “chủ nhân” của cá tra mới được quyền quyết định.
Băn khoăn điểm đến của vốn
Trong sản xuất cá tra, ngân hàng đóng vai trò rất lớn, việc giải ngân hợp lý và chính xác sẽ có tác động tích cực, nhưng hiện nay cho vay ở ngành cá tra đang nhiều bất cập.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 7 tháng đầu năm, doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra của các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đạt 27.167 tỷ đồng, trong đó cho vay nuôi cá tra 6.706 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến hết tháng 7/2013 là 22.909 tỷ đồng, tăng 0,58% so với cuối năm 2012.
Nhìn vào những con số này có thể thấy, thời gian qua ngân hàng đã không rút vốn về mà còn “tiếp sức” cho ngành cá tra nhiều hơn. Nhưng vì sao sản lượng cá tra vẫn giảm? Dư nợ tín dụng tăng như vậy thì dòng vốn chảy về đâu? Một số ý kiến cho rằng vốn tín dụng “đến không đúng chốn” đã góp phần làm cho ngành cá tra “biến dạng” như hiện nay. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp kiểm soát lại, đưa vốn đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng.
Cùng với lành mạnh thị trường tín dụng, ngành cá tra cần bắt tay xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra. Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, giúp doanh nghiệp cũng như địa phương có định hướng cụ thể trong sản xuất và phát triển.
Theo Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu, để tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra, Nhà nước cần hoạch định chính sách quy hoạch phù hợp từ khâu nuôi trồng đến thu mua, chế biến và xuất khẩu. Quy định cụ thể về sản lượng sản xuất, nhà máy chế biến, đồng thời xác định thị trường xuất khẩu. Có như vậy thì vấn đề bấp bênh trong sản xuất cá tra mới được giải quyết.
>> Tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL ngày 21/8, nhiều ý kiến cho rằng ngành cá tra đã “kịch trần” từ năm 2010 nhưng chưa có phương án khả thi giải quyết bài toán cung – cầu, khiến cá tra lao dốc, giá bán luôn dưới giá thành, người nuôi lỗ nặng, “treo ao”, nợ chồng nợ. |