(TSVN) – Dư âm của đại dịch thế kỷ COVID-19 chưa kết thúc thì xung đột tại châu Âu bùng phát khốc liệt ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới, song ngành thủy sản Việt Nam một lần nữa vượt khó lập nên kỷ lục về xuất khẩu, tạo ra mốc son đáng tự hào.
Năm 2022, xung đột giữa Nga – Ukraine đã làm rúng động cả thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Ukraine chiếm khoảng 10% lúa mì toàn cầu, 20% lúa mạch và 60% nguồn cung dầu hướng dương. Chiến tranh xảy ra khiến các bến cảng Ukraine bị phong tỏa, nguồn cung thiếu hụt. Tâm lý dự trữ nhu yếu phẩm đề phòng chiến tranh lan rộng khiến cho các chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình hình lạm phát diễn ra nhiều nơi trên thế giới khiến giá cả tăng, sức mua giảm, trong khi đầu vào là giá thức ăn thủy sản, giá con giống đều tăng. Tại Việt Nam, trong khoảng 7 tháng đầu năm, giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng 6 lần. Người nuôi thủy sản điêu đứng vì đầu vào tăng, trong khi đầu ra sản phẩm nguy cơ gặp khó.
Ngành tôm, một trong những mặt hàng có đóng góp to lớn vào kỳ tích chung của ngành thủy sản năm 2022. Ảnh: Trần Út
Doanh nghiệp ngành thủy sản phải đối mặt với tình hình lạm phát ở châu Âu. Đồng EUR lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD. Tại khu vực châu Á, đồng JPY giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm so với đồng USD.
Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải chịu chi phí xét nghiệm trên mỗi container hơn 1.430 USD, thời gian thông quan kéo dài, nhiều đơn hàng bị phía Trung Quốc trì hoãn.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, nhưng ngành thủy sản Việt Nam đã linh hoạt trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2021 và lập nên những thành tựu mới.
Chúng ta còn nhớ, cuối năm 2001, cả nước đã có hơn 1 triệu ha NTTS, tăng 74,2% so năm 1998. Nhờ đó, năm 2002, xuất khẩu thủy sản đã lập cột mốc 2 tỷ USD (cũng tại thời điểm đó, theo Bộ Thương mại, năm 2002 cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 16,5 tỷ USD).
Vào thời điểm 2002, xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào TP Hồ Chí Minh, với kim ngạch 8,4 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Những mặt hàng xuất khẩu chính là dầu thô trên 3,2 tỷ USD, may mặc 2,7 tỷ USD và thủy sản trên 2 tỷ USD. Về thị trường, sau khi bình thường hóa với Mỹ, sau một năm thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cả nước vào Mỹ đạt trên 2 tỷ USD.
Nguồn: TCHQ
Sau 20 năm không ngừng vươn lên, năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 11 tỷ USD, là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới. Rất nhiều mặt hàng “tỷ đô” như xuất khẩu tôm khoảng 4,2 tỷ USD, cá tra vượt 2 tỷ USD, cá ngừ cũng lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD.
Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đóng góp gần 12% giá trị xuất khẩu. Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới. Ngành thủy sản nước ta đã đặt mục tiêu tới năm 2030 xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Tuy nhiên với kết quả xuất khẩu gần 11 tỷ USD ngay trong năm 2022, có thể nói, ngành thủy sản Việt Nam sẽ sớm cán mốc mục tiêu trên mà không cần phải đợi tới năm 2030.
Theo VASEP, giai đoạn 2022 – 2025 ngành tôm có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD. Năm 2023 sẽ là năm bản lề cho kế hoạch này.
Đối với cá tra, đây cũng là thời điểm thuận lợi về cả thị phần và giá. Xung đột tại châu Âu khiến nhu cầu tiêu thụ cá tra tại các thị trường tăng cao. Giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg. Giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ lên 4,5 USD/kg (trước đây thường chỉ đạt từ 2,9 – 3,1 USD/kg). Xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ tiếp tục kỳ tích của mình trong năm 2023.
Đối với thị trường chứng khoán, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty thủy sản niêm yết tăng tốt, cao hơn năm 2019. Hiện ROE của các công ty thủy sản nói chung ở mức 14,8%, các đơn vị nhỏ và vừa khoảng 13%.
Năm 2023, dư luận kỳ vọng ngành thủy sản Việt Nam sẽ gỡ bỏ “thẻ vàng”, sau 5 năm EC cảnh cáo với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác IUU. Dự kiến vào tháng 4/2023, EC sẽ có đợt thanh tra tiếp theo về thực hiện khắc phục những hạn chế trong chống khai thác IUU tại Việt Nam và hy vọng với việc chung sức chung tay của toàn ngành cho đến từng ngư dân, Việt Nam sẽ sớm được gỡ bỏ “thẻ vàng”. Việc gỡ bỏ “thẻ vàng”, chắc chắn sẽ giúp xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam vào EU tăng trưởng nhanh chóng, xứng với tầm vóc quan hệ thương mại đôi bên và giúp người dân EU được tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm đánh bắt chất lượng và giá cả hợp lý đến từ Việt Nam, cường quốc xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới.
>> Đại diện VASEP cho biết, giai đoạn đầu năm 2023, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu sang các nền kinh tế tiềm năng như Trung Đông. Dự báo nửa sau năm 2023, kinh tế các nước và nhu cầu thị trường sẽ hồi phục, điều này thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại. Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nguyên liệu, nguồn lực, nguồn vốn để có thể đón cơ hội.
Trần Nguyên