Kiên Giang: Nuôi tôm thích ứng với nắng nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để ứng phó với tình trạng nắng nóng, độ mặn tăng cao vào cao điểm mùa khô, người nuôi tôm tranh thủ lấy nước đầy vào ao khi độ mặn còn thấp.

Chủ động ứng phó

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang dự báo, mặn xâm nhập xảy ra trên địa bàn tỉnh từ tháng 2 đến 4/2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất trên sông Cái Lớn, Cái Bé xuất hiện vào cuối tháng 3 và 4/2025. Các địa phương thuộc vùng U Minh Thượng gồm An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận là khu vực thường bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn, mặn trong những năm vừa qua.

Người dân kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào ao nuôi tôm. Ảnh: Chí Công

Để ứng phó với tình trạng nắng nóng, độ mặn tăng cao vào cao điểm mùa khô, người nuôi tôm tranh thủ lấy nước đầy vào ao khi độ mặn còn thấp. Ông Trần Văn Quân, ấp Kinh 1A, xã Đông Thái (huyện An Biên) cho biết: “Để hạn chế độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến tôm, cua, tôi chủ động lấy nước đầy ao nuôi khi độ mặn khoảng 5‰. Trong quá trình nuôi, tôi chỉ bơm bổ sung nước, việc này cũng làm độ mặn trong ao tăng chậm so với độ mặn thực tế ngoài kênh, mương. Để nuôi tôm, cua đạt đầu con, tôi thường ương vèo tôm sú hai giai đoạn đến kích cỡ khoảng 10.000 con/kg, cua đạt cỡ đầu ngón tay út mới thả ra ao lớn”.

Theo người dân, tôm sú, tôm thẻ chân trắng sống và phát triển tốt ở môi trường có độ mặn từ 5 – 20‰, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 320C. Do đó, thời gian qua, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng chủ động cải tạo, sên vét bùn mương bao, đáy vuông kỹ trước khi bước vào vụ tôm chính trong năm, từ đó giúp hạn chế mùn bã hữu cơ làm phát sinh khí độc khi nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.

“Sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, tôi sên vét bùn đáy mương bao để hạn chế mùn bã hữu cơ tích tụ, khi gặp nắng nóng làm sinh khí độc ảnh hưởng đến tôm nuôi. Trong quá trình nuôi, tôi thường sử dụng Zeolite, các loại men vi sinh để quản lý chất lượng nước, làm sạch đáy vuông nuôi”, ông Bùi Văn Trung, ấp 9 Xáng, xã Đông Hòa (huyện An Minh) chia sẻ.

Đồng bộ các biện pháp

Để chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024 – 2025, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành phương án phòng, chống và chỉ đạo các sở ngành, địa phương trong tỉnh chủ động triển khai các phương án bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.

Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, đơn vị liên quan phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành linh hoạt hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé, hệ thống cống ở TP. Rạch Giá, cống âu thuyền Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành) để kiểm soát mặn.

Ngoài ra, UBND huyện, thành phố triển khai nạo vét kênh, sông và đắp đập đất để hạn chế xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động rà soát, cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương cơ sở tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý,… Riêng đối với huyện U Minh Thượng thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các tình huống sụt lún, sạt lở đê bao ngoài có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!