Tuyên Quang: Người dân Na Hang thoát nghèo nhờ nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian gần đây, nuôi cá lồng giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

Điều kiện thuận lợi

Với nguồn tài nguyên nước phong phú, cùng diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang trên 8.000 ha, Nà Hang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi và khai thác thủy sản. Tại các xã Sơn Phú, Yên Hoa, Đà Vị, thị trấn Na Hang, người dân đã tận dụng nguồn nước hồ sinh thái Na Hang phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Na Hang có hơn 900 lồng cá các loại, sản lượng thủy sản ngày càng tăng. Ảnh: ST

Anh Đỗ Thế Anh, tổ dân phố 6, thị trấn Na Hang, một trong những hộ đi đầu trong phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Khi chọn nghề nuôi cá ban đầu đối với gia đình anh Thế Anh cũng rất khó khăn khi không có vốn lại thiếu kỹ thuật nuôi nên chuyện cá bị bệnh chết trắng là không tránh khỏi. Tuy nhiên, với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do nhiều đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện Na Hang tổ chức nên thành công đã đến với anh. Những lồng nuôi cá cứ thế ổn định và phát triển mang lại cho gia đình anh một nguồn thu nhập ổn định.

Nhận thấy hiệu quả từ nghề nuôi cá lồng, anh Đỗ Cao Cường (anh trai của anh Thế Anh) cũng phát triển nghề nuôi cá chung với em trai. Hiện, mô hình nuôi cá trên lòng hồ của gia đình anh Thế Anh và anh Đỗ Cao Cường có tổng số 60 lồng cá, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng trên 40 tấn cá các loại. Với giá bán cá lăng, trắm hiện nay khoảng từ 80.000 – 100.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.

Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa

Hiện, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Na Hang cũng đã phát triển nghề nuôi cá lồng. Theo thống kê của UBND thị trấn Na Hang, hiện nay trên địa bàn thị trấn có 110 hộ, 3 hợp tác xã tham gia vào nuôi trồng thủy sản với hơn 900 lồng cá các loại, sản lượng thủy sản ngày càng tăng, đạt trên 850 tấn. Ngoài các giống cá phổ biến như cá trắm, chép thì nhiều hộ nuôi giống cá đặc sản như: cá lăng, cá bỗng, cá chiên,…

Các mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đều đem lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Các hộ có nhiều lồng nuôi thuộc các hợp tác xã như: hợp tác xã Thủy sản Hà Bình, hợp tác xã Thủy sản làng chài, gia đình anh Đỗ Cao Cường tổ dân phố 6 nuôi trên 60 lồng, gia đình chị Trịnh Ngọc Hà ở tổ dân phố 7 nuôi 65 lồng, gia đình chị Phạm Thị Tình ở tổ dân phố 2 nuôi 40 lồng,…

Được biết, lợi thế lớn nhất trong nuôi thủy sản ở Na Hang là nguồn nước tự nhiên khá sạch; nguồn cá tạp làm thức ăn trên vùng hồ còn khá phong phú nên các hộ nuôi ít sử dụng thức ăn công nghiệp. Việc chăm cá bằng thức ăn tự nhiên cá lớn chậm hơn, nhưng cho chất lượng thịt thơm ngon nên được thương lái ưa chuộng hơn. Đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn họ chọn lựa rất kỹ, bởi lấy chất lượng làm uy tín.

Không chỉ phát triển nghề nuôi cá lồng, nhiều hộ nuôi cá trên lòng hồ sinh thái Na Hang còn nhận ra những cảnh đẹp ở quê hương đang là tiềm năng và đang nhen nhóm những ý định mới trong tương lai gắn với phát triển mô hình du lịch trải nghiệm. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang cho biết: “Trong thời gian tới, thị trấn tiếp tục có các giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn cá. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện cho các hộ nuôi cá lồng để nâng cao sản lượng, chất lượng cá thịt cung cấp ra thị trường”.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!