Ốc hương (Sweet snail) có tên khoa học là Babylonia areolata, là loài động vật thân mềm có vỏ khá mỏng nhưng chắc chắn, dạng bậc thang, tháp vỏ bằng 1/2 chiều dài của vỏ.
Nuôi ốc hương chi phí thấp, hiệu quả cao Ảnh: V.V
Đặc điểm sinh học
Ốc hương (Sweet snail) có tên khoa học là Babylonia areolata, là loài động vật thân mềm có vỏ khá mỏng nhưng chắc chắn, dạng bậc thang, tháp vỏ bằng 1/2 chiều dài của vỏ. Da vỏ màu trắng có điểm những hàng phiến vân màu tím, nâu, nâu đậm hình chữ nhật hoặc hình thoi. Trên tầng thân có 3 hàng phiến vân màu, mỗi vòng ở tháp vỏ chỉ có 1 hàng. Miệng vỏ có hình bán nguyệt, mặt trong vỏ có màu trắng sứ, lỗ trục vỏ sâu, rõ ràng.
Ốc hương trưởng thành sống chủ yếu ở nền đáy cát, cát bùn hoặc cát có pha lẫn vỏ động vật thân mềm. Độ mặn thích hợp nhất là 30 – 35‰; Nhiệt độ 26 – 280C; DO trong khoảng 4 – 6 mg/l; pH thích hợp là 6 – 9. Trong điều kiện tự nhiên, ốc hương sinh trưởng liên tục. Tuy nhiên, tốc độ sinh trưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn phát triển, sức khỏe, điều kiện sống… Trong thời gian đầu, ốc hương tăng trưởng nhanh về kích thước, chậm về trọng lượng, thời gian sau thì ngược lại, ốc tăng trọng nhiều hơn. Đặc điểm dinh dưỡng của ốc hương thay đổi theo giai đoạn phát triển. Thức ăn ưa thích là thức ăn tươi sống: tôm, cua, ghẹ, động vật thân mềm 2 mảnh vỏ; lượng thức ăn bằng khoảng 5 – 7% trọng lượng ốc nuôi. Ốc hương sinh sản lần đầu khi đạt chiều cao vỏ khoảng 40 – 50 mm ở cả con đực và con cái. Chúng sinh sản quanh năm nhưng mùa vụ chính là khoảng tháng 3 – 10. Ốc hương cái mỗi lần đẻ 18 – 75 bọc trứng (trung bình 38 bọc), mỗi bọc trứng chứa 170 – 1.850 trứng.
Ốc hương phân bố chủ yếu ở biển Ấn Độ – Thái Bình Dương, Srilanca, Trung Quốc, Nhật Bản. Ở nước ta, ốc hương phân bố chủ yếu ở biển miền Trung rải rác dọc ven biển từ Bắc vào Nam, trong đó khu vực phân bố chính thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nhất ở Bình Thuận (Phan Thiết, Hàm Tân), Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cho lãi cao
Từ năm 2000 đến nay, nghề nuôi ốc hương ở nước ta phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ven biển. Đồng thời, đã thay thế và sử dụng hiệu quả những ao nuôi tôm bỏ hoang, kém hiệu quả.
Năm 2000, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III triển khai đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc hương” thành công và chuyển giao công nghệ cho các địa phương. Đến năm 2015, nghề sản xuất ốc hương đã phát triển rộng khắp các tỉnh ven biển, đáp ứng nhu cầu con giống nuôi thương phẩm. Năm 2016, sản lượng ốc hương đạt trên 2,5 tỷ con giống/năm. Cùng với sản xuất giống, nghề nuôi ốc hương cũng phát triển rất nhanh. Đến nay, tổng diện tích nuôi ốc hương trên cả nước ước hơn 1.000 ha. Về hình thức nuôi, chủ yếu nuôi trong ao và nuôi đăng lồng trên biển. Trong đó nuôi ốc hương trong ao nhanh chóng trở thành hình thức nuôi chính chiếm tới 95% tổng diện tích và được nuôi nhiều tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Mô hình nuôi ốc hương thương phẩm theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai đã cho thấy hiệu quả cao về kinh tế, với chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn và dễ hơn so với tôm hùm. Ốc hương thương phẩm có giá thu mua khá cao, khoảng 160.000 – 200.000 đồng/kg đối với ốc đúng cỡ, có khi lên tới 300.000 – 320.000 đồng/kg. Thị trường xuất khẩu ốc hương chủ yếu là Trung Quốc; thị trường nội địa là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhờ nuôi ốc hương mà nhiều hộ dân đã có thu nhập kinh tế cao và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.