T2, 06/07/2020 09:52

Đồng bằng sông Cửu Long: “Mỏ tôm”… teo tóp!

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến cuối tháng 6, ĐBSCL bà con nuôi tôm bị thiệt hại trên 52.470ha, chiếm hơn 98% diện tích tổng thiệt hại của cả nước. Nếu tính bình quân 1ha năng suất khoảng 2 tấn (các loại hình nuôi: quảng canh, quảng canh cải tiến, bán công nghiệp, công nghiệp) nông dân mất đi hơn 100.000 tấn tôm thương phẩm, tương đương 30% sản lượng tôm nuôi 2010.

Tôm chết kéo theo hệ lụy hàng chục ngàn hộ nuôi tôm mất đi nguồn lợi kinh tế hàng ngàn tỉ đồng, nợ ngân hàng chồng chất. ĐBSCL “mỏ tôm” đang teo tóp.

Người nuôi tôm “đột quỵ”

Nghề nuôi tôm sú ĐBSCL đã qua thời hoàng kim, con tôm sú không còn đem lại cho cư dân ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu,… cuộc đổi đời ngoạn mục như cách đây 5- 10 năm. Môi trường ô nhiễm, hệ thống thủy lợi nuôi tôm thiếu đầu tư đồng bộ, con giống kém chất lượng là tác nhân gây ra dịch bệnh tràn lan khiến cho nghề nuôi gặp nhiều bất trắc. Tại tỉnh Trà Vinh, đến nay có 23.860 hộ dân trên địa bàn huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành thả nuôi 1,7 tỉ con tôm sú giống trên diện tích 23.130ha. Tuy nhiên, do dịch bệnh lây lan nhanh, hiện đã có gần 400 triệu con tôm nuôi từ 30– 70 ngày tuổi của 7.353 hộ bị thiệt hại với diện tích khoảng 7.000ha. Hàng ngàn hộ nuôi tôm ở Trà Vinh phải thu hoạch sớm hơn 3.000ha tôm sú nuôi mới đạt trọng lượng 100- 120 con/kg bán giá rẻ.

Trà Vinh thu hoạch non hàng ngàn tấn tôm sú do dịch bệnh. Ảnh: ĐÌNH CẢNH (Trà Vinh)

Ông Nguyễn Văn Tích, tỉ phú nuôi tôm xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thấp thỏm: “So với nhiều vùng ven biển ĐBSCL, nghề nuôi tôm ở đây chỉ phát triển mạnh 5 năm gần đây. 3 năm qua với diện tích nuôi tôm 3ha, năm nào tôi cũng lãi lớn. Riêng năm 2010, lãi hơn 1,3 tỉ đồng. Năm nay, tôm nuôi đã được 2,5 tháng tuổi nhưng thấy dịch bệnh tràn lan ăn ngủ không yên. Nhiều bà con trong vùng tôm nhiễm bệnh bị chết, lỗ trắng tay. Nuôi tôm bây giờ rủi ro mạo hiểm không thua đánh bài, bởi nông dân vẫn phải tự bơi trong cơ chế thị trường”.

Cách đây 10 năm huyện Duyên Hải là vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh Trà Vinh với diện tích 14.000ha, đến thời điểm này chỉ còn khoảng 11.500ha. Hàng ngàn hecta khác do nuôi tôm thất bát nhiều năm liền, nông dân chuyển sang nuôi cua, cá. Anh Võ Văn Ngọn, triệu phú nuôi tôm xã Long Toàn, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) kể: “Trước đây, con tôm sú đem lại cuộc sống đổi đời cho hàng ngàn nông hộ. Nhiều hộ trở thành tỉ phú xây dựng nhà cửa khang trang. Nay thì thua, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan, hàng trăm trang trại nuôi tôm vỡ nợ, số đỏ cầm trong ngân hàng. Con tôm đang thoái trào thu hẹp dần diện tích”.

Người nuôi tôm ở Sóc Trăng chỉ biết ngồi nhìn tôm chết. Ảnh: THANH PHONG (Cần Thơ)

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay tổng diện tích thả nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đạt hơn 547.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm bị thiệt hại hơn 52.000ha. Sóc Trăng là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với 19.233ha (2,64 tỉ con giống/13.847 hộ nuôi) trên tổng diện tích 25.066ha đã thả giống, chiếm 76,73% diện tích thả nuôi. Kiên Giang có trên 10.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, Bạc Liêu 8.586ha, Cà Mau 6.580ha, Bến Tre 676ha, Tiền Giang 663ha. Với khoảng 52.000ha tôm nuôi thiệt hại, chỉ tính bình quân 1ha nuôi tôm năng suất đạt 2 tấn thì “mỏ tôm” đồng bằng mất hơn 100.000 tấn, khoảng 30% sản lượng tôm nuôi năm 2010.

 

Bảo hiểm tôm sú- cứu “mỏ tôm”!

Trước thực trạng tôm nuôi ĐBSCL chết trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay đang diễn biến phức tạp, lây lan trên diện rộng và rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho người dân. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, ngoài việc tìm ra nguyên nhân, khắc phục tình trạng tôm chết cần tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, kiểm tra nghiêm ngặt thức ăn, hóa chất, vi sinh phục vụ cho người nuôi trồng thủy sản. Các ngành, địa phương cần phải tính toán đến quy hoạch vùng nuôi và lưu ý đến vấn đề nuôi tôm bền vững để củng cố vững chắc vùng nguyên liệu lớn nhất nước. Trong nuôi tôm, việc phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng. Tiếc rằng đây là khâu yếu nhất trong nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm ngành thủy sản nước ta mất hàng ngàn tỉ đồng vì dịch bệnh mà nguyên nhân lớn nhất nằm ở con giống. Hiện tại, có tới 70% lượng tôm giống được sản xuất nhờ đánh bắt tôm bố mẹ ngoài tự nhiên, nên khó kiểm soát được chất lượng, dịch bệnh của tôm bố mẹ. Nhiều chuyên gia thủy sản cho rằng, cả nước có khoảng 600.000ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cần một lượng tôm giống rất lớn, mà có tới 70% lượng tôm giống được thả nuôi không rõ nguồn gốc, chất lượng thì chẳng khác gì nông dân đang “đánh bạc” với con tôm, với cuộc sống của mình. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo- Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II- cho biết: Tôm chết hàng loạt từ đầu tháng 3 đến nay chủ yếu do bị bệnh hoại tử, teo gan, gây thiệt hại đáng kể cho các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tác nhân gây ra bệnh này bước đầu xác định là do vi khuẩn gamma- proteobacteria chứ không phải do virus. Đường lây bệnh trên tôm bước đầu xác định qua hệ thống nước. Nguồn lây nhiễm thứ hai là con giống qua bố mẹ. Suốt thời gian dài đã qua, cơ quan chuyên môn các địa phương khi xét nghiệm tôm bố mẹ đã không xét nghiệm tác nhân gây hoại tử gan tụy, do vậy đề nghị các địa phương phải xét nghiệm thêm loại bệnh nguy hiểm này cho tôm.

Hàng chục năm qua, con tôm sú là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, hoặc bao tiêu sản phẩm cho người nuôi như các mặt hàng khác (cá tra, lúa,…). Các doanh nghiệp chế biến chủ yếu mua nguyên liệu theo phương thức “ngồi mát ăn bát vàng”, còn rủi ro người nuôi lãnh đủ. Để hàng trăm ngàn nông dân nuôi tôm ĐBSCL không lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do dịch bệnh, thiên tai,… doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu không “đói” nguyên liệu, hàng chục ngàn công nhân có việc làm một giải pháp cấp bách và mang tính nhân văn. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho nông dân nuôi tôm, tạo mối liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Doanh nghiệp và người nuôi tôm phải cùng ngồi chung một chiếc thuyền, cùng chia sẻ rủi ro, bình đẳng trong phân chia lợi nhuận.

Trước môi trường ngày một suy thoái, dịch bệnh tràn lan, công tác quản lý, quy hoạch còn nhiều bất cập, rủi ro ngày một cao, để cứu “mỏ tôm” ĐBSCL thì vấn đề đang đặt ra mang tính bức bách là bảo hiểm con tôm sú. Thấy được cái khó của người nuôi tôm ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011- 2013 tại 21 tỉnh, thành phố với 3 ngành sản xuất chính đó là lúa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng. Chủ trương này sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 7/2011 cho đến năm 2013. Ở ĐBSCL, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng có Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau tham gia chương trình này. Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ đang thổi luồng gió mới vào “mỏ tôm” đồng bằng được hàng triệu nông dân kỳ vọng. Đây thực sự là “bà đỡ” giúp người nuôi tôm bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, duy trì nghề nuôi tôm ổn định, bền vững trước tác động ngày một bất lợi của biến đổi khí hậu.

ĐÌNH CẢNH (Trà Vinh)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!