Đồng Tháp: Quyết nâng chất lượng cá tra giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngàng hàng cá tra trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ chọn tạo giống chất lượng cao, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát quy trình sản xuất giống tại các cơ sở.

Cải thiện chất lượng giống

Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng; với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 40% tổng xuất khẩu cá tra cả nước, cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL. Nuôi cá tra không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Đồng Tháp thả nuôi cá tra với diện tích hơn 1.857/1.800 ha, thu hoạch được 205.318 tấn. Từ đầu năm 2023 đến nay, Đồng Tháp sản xuất được gần 5 tỷ cá tra bột, hơn 500 triệu con cá tra giống. Theo UBND tỉnh, Đồng Tháp đang phấn đấu phát triển diện tích nuôi cá tra đến năm 2025 là 2.450 ha, với sản lượng 555.000 tấn, tương đương giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 9.046,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản (tăng 0,38% so năm 2020). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.

Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Tháp hỗ trợ chọn tạo giống cá tra chất lượng cao, khắc phục tình trạng giống cá tra kém chất lượng; tăng cường quản lý giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất giống, hỗ trợ cho các trại sản xuất giống cá tra bố mẹ đã qua chọn lọc về di truyền tăng tưởng nhanh, thích ứng tốt với dịch bệnh và môi trường. Tỉnh phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột được cải thiện di truyền.

Thúc đẩy liên kế

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, phát triển đối tượng thủy sản chủ lực (cá tra) được coi là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh gắn phát triển sản phẩm OCOP phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu chuyển giao quy trình sản xuất đối tượng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Do đó, nhằm tăng cường chất lượng giống cá tra, tỉnh Đồng Tháp thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành, quản lý quy hoạch, cấp mã số nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng “hợp tác – liên kết – thị trường” để giảm rủi ro.

Tỉnh cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết lại với nhau hình thành các hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng; tăng cường chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Cùng đó, từng bước thay thế đàn cá bố mẹ địa phương bằng đàn cá tra chọn giống ngoài ưu thế tăng trưởng nhanh; phổ biến quy trình sản xuất giống có chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường đến các cơ sở ương dưỡng, cơ sở sản xuất bột.

Tiếp tục phối hợp với Cục Thủy sản hỗ trợ địa phương đàn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh, tỷ lệ fillet cao và kháng bệnh, để chuyển giao các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện sản xuất theo quy định.

>> Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá tra. Hàng năm sản xuất 25 tỷ cá tra bột và 1,8 tỷ cá tra giống. Vùng sản xuất giống cá tra chủ yếu tập trung ở huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành và huyện Cao Lãnh.

 

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!