Đoàn thanh tra EC đánh giá cao sự chuyển biến tích cực của nghề cá Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau đợt thanh tra lần thứ 4 tại Việt Nam về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đang chờ kết luận cuối cùng của EC.

Sau phiên đối thoại cấp cao với Đoàn thanh tra EC chiều ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có những chia sẻ về kết quả sơ bộ việc gỡ “thẻ vàng” sau khi Đoàn EC thanh tra thực tế lần thứ 4 (từ ngày 10/10 đến 18/10/2023 tại 2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định) về chống khai thác IUU.

Theo đó, Đoàn thanh tra của EC tiếp tục ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam với sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng, nhất là việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.

EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Ảnh: PV

Về khung pháp lý, đoàn thanh tra EC cơ bản thống nhất với dự thảo 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 26/2019/NĐ-CP ban hành ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, EC nhấn mạnh việc các địa phương vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

Đoàn thanh tra EC đề nghị Việt Nam tăng cường kiểm soát một số vấn đề như: Không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Không để tàu mất kết nối 10 ngày; Không để tình trạng tàu 3 “không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép); Tỷ lệ xử phạt còn rất thấp; Kiểm soát nghiêm ngặt đối với nguyên liệu nhập khẩu bằng container đối với loài cá cờ kiếm, cá ngừ vây ngực dài…

Cùng đó, EC tiếp tục khuyến nghị Việt Nam phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, các doanh nghiệp làm ăn phi pháp… Bên cạnh đó, EC cũng khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình, đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá tạo sự chuyển biến trên thực tế, kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi khai thác IUU.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đây là những khuyến nghị ban đầu, còn về kết quả chính thức, Đoàn phải báo cáo với Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản của EC về việc gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam, lúc đó mới có kết luận. Dự kiến, lần kiểm tra tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 5 đến tháng 6/2024.

Phạm Thu

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!