(TSVN) – Mô hình nuôi cá lồng được nhiều hộ dân ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai triển khai bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi.
Với điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng bè nhờ có dòng sông Pô Kô chảy cắt giữa hai huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum và huyện Ia Grai. Đặc điểm sông có nước tĩnh, chảy nhẹ, trong lành. Một năm chỉ mưa vài tháng còn lại thời tiết rất thích hợp để nuôi cá, đặc biệt là diêu hồng, cá lăng, cá chép, rô phi.
Nuôi cá lồng ở Gia Lai cho hiệu quả kinh tế cao – Ảnh: ST
Từ thực tế, ông Trần Văn Dã, thôn Ia Đờ, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng 5 hộ dân người Jrai ở xã Ia Khai, huyện Ia Grai thử nghiệm nuôi cá lồng bè, trực tiếp ông truyền đạt kỹ thuật nuôi cho người dân. Sau gần 2 tháng triển khai, đàn cá diêu hồng, rô phi phát triển ổn định. Ông Dã chia sẻ, so với làm nương rẫy, nuôi cá lồng bè tiết kiệm sức lao động cũng như nhân công lao động. Nuôi cá lồng chỉ cần cho ăn đúng giờ, đúng số lượng, đảm bảo không để cá bị đói, thiếu thức ăn. Ngoài ra thì vệ sinh lồng 1 lần/tuần để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá phát triển. Khoảng 4 – 5 tháng, khi cá đạt trọng lượng thương phẩm thì thu hoạch. Trung bình một bè cá diêu hồng 5 m2 có thể thu được khoảng 10 tấn cá thương phẩm. Với giá bán sỉ từ 35.000 – 40.000 đồng/kg cũng đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người nuôi.
Trước thuận lợi của dòng nước Pô Kô, thời gian tới, ông Dã định hướng sẽ nuôi thêm các loại cá đặc sản trên cao nguyên nhằm đa dạng nguồn cá thương phẩm, nâng cao hiệu quả cho mô hình nuôi cá lồng bè.