Giá mủ cao su tăng: Niềm vui đã trở lại

Chưa có đánh giá về bài viết

Màn đêm ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) lại rực sáng nhờ hàng ngàn chiếc đèn pin đội đầu của người đi cạo mủ. Ánh sáng ấy là niềm vui giữa bao bộn bề lo toan vì phải đương đầu với dịch bệnh, thiên tai…

Trong những ngày qua, nông dân trồng cao su đón tin vui khi giá mủ cao su tăng cao, bù đắp lại những tháng giá mủ liên tục rớt đến hết ngưỡng mà dân trồng cao su quen gọi là “không còn đáy để chạm”.

Ở Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân… những ngày qua dù bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nhưng người dân vẫn tranh thủ canh lúc không có mưa để đi cạo mủ. Giá mủ cao su những tháng trước ở mức 23 triệu đồng/tấn khiến nhiều trang trại cao su bỏ cạo vì chi phí thuê nhân công và đầu tư phân bón sẽ không còn lãi. Chỉ riêng hộ cá nhân trồng cao su cạo cầm chừng vì lấy công làm lãi. Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này, giá mủ cao su nhích dần lên 25 rồi 29 triệu đồng/tấn, đây là mức giá khá tốt, có lãi tương đối nên dân trồng cao su bắt đầu rục rịch bón phân chăm cây cao su kỹ càng hơn. Trong hàng loạt tín hiệu không vui do giá cả nông sản hạ thấp vì ảnh hưởng dịch Covid – 19, đầu tháng 11 giá mủ cao su liên tục tăng, từ 23 lên 29 rồi tăng đến  39 triệu đồng/tấn. Đây là giá “không tưởng” của mủ cao su sau nhiều năm ì ạch dưới mức 32 triệu đồng/tấn.

Còn nhớ cách đây gần 20 năm, khi thực hiện Chương trình trồng rừng 327, nhiều người ở Tánh Linh băn khoăn vì  “được” giao khoán mỗi người trồng 2 ha cao su để phủ xanh đất trống. Bấy giờ, đất ở Tánh Linh vi vu, ai muốn làm bao nhiêu cũng xong và còn được địa phương khuyến khích trồng càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, rất ít người nhận ra giá trị của nó mà làm “chỉ cho có”. Hơn nữa, lúc ấy cao su chưa có giá, cây cao su nơi đây chỉ có Công ty Cao su Bình Thuận trồng và lấy mủ nên chẳng ai mặn mà gì. Khoảng năm 2003, mủ cao su có giá cao đột biến, một số vườn cao su thu lãi cao. Lúc này nhiều nông dân bắt đầu đổ xô kiếm đất trồng cao su, đã có những cuộc tranh chấp đất đai “nảy lửa” chỉ để trồng cây cao su ở Gia Huynh (Tánh Linh), diện tích cao su từ đây bắt đầu tăng mạnh qua các năm sau đó.

Toàn tỉnh ước có hơn 45.000 ha cao su, trong đó  hơn nửa diện tích cho thu hoạch, bình quân lượng mủ từ 14 – 15 tạ/ha, có nơi thu 18 tạ/ha. Khoảng 4 năm trở lại đây, giá mủ rớt xuống thấp khiến nhiều vườn cao su có diện tích lớn bỏ cạo, rao bán hoặc thanh lý cây cao su làm gỗ. Hiện tại, ngày 9/11 giá cao su đang ở mức dao động 38  – 39 triệu đồng/tấn, giúp nhiều hộ cao su thu hoạch có lãi cao. Đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số 2 xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) người dân “vui ra  mặt” vì nhiều diện tích cao su Nhà nước hỗ trợ trong đề án tái canh cây cao su theo Chương trình 327 của tỉnh đang phát huy hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Nam ở Gia Huynh cho biết: Giá mủ ở mức 29 triệu đồng/tấn là dân trồng cao su đã sống được. Còn ở mức 39 triệu đồng/tấn như hiện nay thì người dân lãi rất cao, đây là tín hiệu tốt và tôi mong giá luôn được ở mức ấy cho dân trồng cao su được nhờ… Vì sao giá mủ cao su tăng, anh Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Bình Thuận, cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân để giá cao su tăng như giá dầu thế giới tăng, lượng sản xuất xe hơi tăng nhưng nguyên nhân chính là do các nước trong khu vực cung cấp ra thị trường không đủ số lượng nên đẩy giá cao su tăng. Tuy nhiên giá mủ tăng, giảm sẽ không ổn định. Nếu giá mủ giữ ở mức 32 – 35 triệu đồng/tấn sẽ bền vững hơn… Cây cao su bao nhiêu ngày “im hơi lặng tiếng” nay trỗi dậy mạnh mẽ đã “cứu cánh” người dân giữa lúc khó khăn vì đại dịch Covid – 19. Màn đêm ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc lại rực sáng nhờ hàng ngàn chiếc đèn pin đội đầu của người đi cạo mủ. Ánh sáng ấy là niềm vui giữa bao bộn bề lo toan vì phải đương đầu với dịch bệnh, thiên tai…

Trần Thi

Nguồn: Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!