Giá ngô kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago hôm 26/4 tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2013, do lo ngại về nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Giá lúa mì tăng thêm 2,4% lên mức cao nhất trong 7 năm, trong khi giá đậu tương đạt mức cao nhất trong 8 năm.
Một nhà kinh doanh ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi có trụ sở tại Singapore cho biết: “Ngô đang đứng trước những lo lắng về nguồn cung cũng như nhu cầu mạnh mẽ. Giá ngô đang kéo giá lúa mì và đậu tương lên cao hơn”.
Giá ngô trong hợp đồng tương lai tăng điểm tích cực nhất trên sàn giao dịch Chicago (Chicago Board of Trade – CBOT), tăng thêm 1,5% lên 6,4225 USD/giạ vào lúc 02:51 GMT. Trước đó giá ngô đạt mức cao nhất là vào tháng 6/2013, ở mức 6,49 USD/giạ.
Tình trạng khô hạn ở Brazil và đợt lạnh giá ở Mỹ làm gia tăng lo ngại về nguồn cung ở hai nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, trong khi dự trữ từ vụ thu hoạch năm 2020 đang giảm dần và nhu cầu từ Trung Quốc ngày càng tăng.
Dữ liệu từ Văn phòng nông trại FranceAgriMer vào ngày 23/4 cho thấy tình trạng lúa mì và lúa mạch của Pháp có điểm xấu đi trong tuần thứ hai nhưng vẫn tốt. Điều này cho thấy các đợt khô lạnh gần đây có ảnh hưởng vừa phải.
Ước tính 85% lúa mì mềm của Pháp ở tình trạng tốt hoặc rất tốt trong tuần tính đến ngày 19/4, giảm từ ước tính 86% của tuần trước và 87% của hai tuần trước đó, theo báo cáo tiến độ vụ mùa ngũ cốc của Văn phòng nông trại FranceAgriMer.
Trong khi đó, các quan chức ở Argentina, quốc gia cung cấp ngô lớn thứ ba thế giới và cũng là nước xuất khẩu thức ăn chăn nuôi từ bã đậu tương lớn nhất thế giới đang xem xét việc tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc.
Giá đậu tương tăng 0,6% lên mức 15,2475 USD/giạ, sau khi leo lên mức cao nhất 15,4 USD/giạ vào tháng 6/2013, trong khi lúa mì đạt 7,32 USD/giạ, mức giá cao nhất kể từ tháng 5/2014.
Theo dữ liệu công bố vào ngày 23/4, các nhà đầu cơ lớn đã cắt giảm khối lượng mua ròng ngô tương lai của họ trên sàn giao dịch Chicago.
Báo cáo giao dịch thương mại hàng tuần của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Commodity Futures Trading Commission – CFTC) cũng cho thấy rằng các nhà giao dịch phi thương mại, một danh mục bao gồm các quỹ đầu cơ, đã cắt giảm khối lượng bán ròng lúa mì CBOT và tăng khối lượng mua ròng đậu tương CBOT của họ.
(1 giạ ngô = 25,4 kg; 1 giạ đậu tương/lúa mì = 27,2 kg)
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam