Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT mới đây về tình hình cung ứng hàng hóa dịp Tết Tân Sửu 2021, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải logistics toàn cầu do dịch Covid-19 nên hiện việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ nhà máy ép đầu và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Dabaco liên tục trong tình trạng vừa chạy máy vừa chờ nguyên liệu.
Ông So cho biết, Nhà máy Dầu thực vật Coba của Dabaco hiện mỗi tháng chỉ chạy được từ 18 – 20 ngày, còn lại phải dừng máy do nguyên liệu đậu tương nhập khẩu không về kịp dù trước đó doanh nghiệp đã chủ động tích trữ nguyên liệu lên tới 100.000 tấn.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So, việc giá nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, khô đậu tương tăng tới 30 – 35% chính là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng thời gian vừa qua, bởi thực tế nguồn cung lợn của Việt Nam tuy vẫn thiếu, song không quá nhiều như cuối 2019 đầu 2020.
Theo ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội, trong khoảng hơn một tháng trở lại đây giá nguyên liệu các mặt hàng đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng một cách “phi mã” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, mặt hàng ngô tăng tới 30% từ mức giá 6.000 đồng/kg lên 7.800 – 8.000 đồng/kg. Khô dầu đậu tương tăng từ 9.200 – 9.500 đồng/kg lên xấp xỉ 15.000 đồng/kg. Mặt hàng bột xương thịt cũng tăng trên 30% từ 9.500 đồng/kg lên 14.500 đồng/kg.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam thời gian qua tăng mạnh gây áp lực tới giá lợn hơi trên thị trường. Ảnh: MV.
Việt Nam hiện là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu khoảng 19 triệu tấn/năm. Nếu cộng cả thức ăn thủy sản con số này có thể lên tới 30 triệu tấn.
Dù là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực nhưng Việt Nam vẫn phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Các thị trường nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính của Việt Nam là Mỹ, Nam Mỹ, EU, Nga… những khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến việc giao thương và hệ thống logistics gần như tê liệt, trong đó điển hình là việc thiếu container.
Trước việc chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng do hiện tượng tăng giá thuê tàu và container, vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị chức năng kiểm điểm, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu, container.
>> Ông Nguyễn Trung Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT) cho biết, qua theo dõi việc xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản qua Cảng Hải Phòng và Quảng Ninh thời gian đần đây nhận thấy, hiện tượng thiếu container chủ yếu đối với hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu tuy có chịu ảnh hưởng, nhưng thực sự chưa lớn. |