(TSVN) – Nuôi biển được xác định là một trong ba trụ cột chính trong định hướng phát triển của ngành thủy sản. Trong đó, nuôi biển bền vững cần phát triển theo hướng công nghiệp, công nghệ hiện đại, chú trọng tới bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sản lượng lớn và chất lượng an toàn.
Để đạt được mục tiêu đề ra thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong quản lý môi trường và quản lý trại nuôi là khâu quan trọng hàng đầu của nghề nuôi biển tại Việt Nam.
Trại nuôi phải được lựa chọn ở khu vực kín gió, ít rủi ro do gió bão hoặc nước ngọt, nền đáy cát sỏi, đảm bảo dòng chảy được lưu thông, tránh ứ đọng chất bẩn, chất thải. Thuận lợi về hậu cần như cung cấp thức ăn, nước ngọt, vật tư, thiết bị để vận hành, bảo dưỡng trại nuôi hay thu hoạch sản phẩm.
Một số yếu tố môi trường phù hợp cho trại nuôi: Độ sâu, với lồng nổi có thành lưới sâu 5 m cần tối thiểu 8 m; vận tốc gió khoảng 10 hải lý/h; chiều cao sóng tối đa <2 m; lưu tốc dòng chảy 0,2 – 0,6 m/giây; nhiệt độ nước 25 – 32oC; độ mặn từ 15 – 35 ppt; DO từ 4 – 9 mg/L; pH từ 7,5 – 8,5; độ trong Secchi >3 m; N-NH4+ <0,2 mg/L; P-PO43- <0,1 mg/L; không có hiện tượng tảo nở hoa; không bị tác động bởi các nguồn thải có kim loại nặng.
Nhân viên vận hành trại nuôi phải có hiểu biết về đặc điểm sinh học của đối tượng nuôi, cũng như am hiểu khí hậu và thời tiết vùng biển. Người nuôi nên thực hiện ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động nuôi và làm cơ sở để tính toán đầu tư, lãi, lỗ. Các thông tin cần ghi chép như: chi phí vận hành (giống, thức ăn, nguyên vật liệu khác…), kết quả nuôi (lượng thức ăn, tăng trưởng của cá, số cá chết…), các thông số môi trường, tình trạng lồng bè…
Định kỳ 1 – 2 tháng bắt ngẫu nhiên đối tượng nuôi để kiểm tra tốc độ sinh trưởng, dự tính cỡ sản lượng để có kế hoạch thu, tính toán tỷ lệ cho ăn và lên kế hoạch mua thức ăn. Kết hợp với phân cỡ để giảm sự cạnh tranh thức ăn, nâng cao tỷ lệ sống cho vật nuôi.
Thường xuyên kiểm tra lưới lồng, bè và hệ thống neo để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước và sau gió, bão. Một số loài cá như cá chim vây vàng có xương nắp mang rất sắc nên lưới thường bị rách, do vậy hàng ngày phải lặn để kiểm tra lưới lồng, đặc biệt là thời điểm trước khi kéo lưới để tránh thất thoát.
Định kỳ vệ sinh loại bỏ sinh vật bám thông qua việc thay lưới. Khi thay lưới tránh gây xây xát và gây sốc. Hiện tại việc vệ sinh lưới theo phương pháp phơi nắng kết hợp cơ học (xịt rửa bằng vòi cao áp hoặc đặp bằng cây) là giải pháp hiệu quả nhất.
Cá thường hay bị bệnh ký sinh trùng bám ngoài da, đặc biệt là rận cá dễ làm cá bị tổn thương da, tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội như vi khuẩn, nấm gây bệnh lở loét. Để phòng bệnh cần định kỳ kết hợp với khi thay lưới tắm nước ngọt cho cá để loại bỏ ký dinh trùng. Trường hợp cá đã bị nhiễm bệnh cần phải nuôi cách ly để trị bệnh.
Tháng 4 – 6 hàng năm thường hay xuất hiện sứa. Nếu sứa xuất hiện nhiều trong lồng nuôi, đặc biệt khi thủy triều đứng cần nhẹ nhàng hạ lưới lồng xuống sâu, tạo không gian phía dưới để tránh không cho cá tiếp xúc với sứa ở tầng mặt.
Các thông số môi trường nước cần giám sát dựa theo quy chuẩn Việt Nam: QCVN 10-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Thông số trầm tích theo QCVN 43: 2012/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích. Tần suất kiển tra: môi trường nước 1 – 2 lần/tháng, trầm tích 2 – 4 lần/năm. Ngoài ra, cần áp dụng phương pháp MOM – B của Na Uy theo tiêu chuẩn NS 9410 (E) để đánh giá tác động nuôi biển đến sức tải môi trường.
Việc áp dụng khoa hoặc kỹ thuật vào các khâu quản lý môi trường trong nuôi cá biển là rất cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả cho sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái; góp phần vào phát triển NTTS bền vững.
TS Nguyễn Đức Bình – Viện Nghiên cứu NTTS I