Theo phương án mới, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 5,5% từ năm 2020, và dự kiến sẽ định kỳ tăng mỗi năm một lần thay cho 2-3 năm/lần như trước đây. Theo dự thảo này, người lao động sẽ được hưởng lợi, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang kiến nghị.
Tăng lương tối thiểu là tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp than khó
Thông qua VASEP, các doanh nghiệp đề xuất: Không tăng lương tối thiểu trong năm 2020; Giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2 – 3 năm/lần, vì mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. VASEP mong muốn VCCI có ý kiến chính thức với Quốc hội và Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét chấp thuận các đề xuất nêu trên, nhằm giúp giảm bớt các khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, tạo điều kiện để các doanh nghiệp yên tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Theo VASEP, bắt đầu từ năm 2016, doanh nghiệp phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động theo lương tối thiểu và các khoản phụ cấp khác. Đến năm 2018, doanh nghiệp phải đóng các khoản bảo hiểm trên tổng thu nhập. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp có số lao động hàng ngàn người và cả cơ quan BHXH khi kê khai, vì mức thu nhập của người lao động hưởng theo sản phẩm nên hàng tháng đều biến động.
Hơn nữa, theo phân tích của VASEP, việc tăng lương tối thiểu là tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi không làm tăng, thậm chí nhiều khi còn giảm thu nhập của người lao động, vì các khoản bảo hiểm trên tổng thu nhập cũng tăng. Cùng đó, các doanh nghiệp thủy sản thường có số lượng công nhân lớn cho nên khi tăng lương tối thiểu dù chỉ một tỷ lệ nhỏ thì chi phí của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể. Do vậy, khi mức lương tối thiểu tăng cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ bị tăng chi phí và nguy cơ lao động Việt Nam mất việc ngày càng cao. Nhất là hiện nay trong bối cảnh ngành thủy sản đang phát triển chậm lại, doanh nghiệp đang phải gánh các chi phí quá lớn do tiện, xăng dầu tăng giá.
Việc tăng lương tối thiểu cũng kéo theo mức lương đóng bảo hiểm xã hội tăng. Tỷ lệ này tăng cùng với mở rộng đối tượng làm quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đã tăng ít nhất 82%, tương đương 1,82 lần. Theo đó, cùng với việc tăng đồng loạt nhiều mức đóng, thì nhiều “sợi dây thòng lọng siết cổ” doanh nghiệp càng cao, dẫn đến nguy cơ đi xuống như thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, giảm cạnh tranh, phá sản… Do đó, VASEP và các doanh nghiệp mong muốn các kiến nghị này được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.
Chi phí cao tăng cao
Trong công văn gửi VCCI, VASEP cho biết, năm 2016, mức lương tối thiểu của Việt Nam đứng thứ 71/101 nước được khảo sát trên thế giới, đứng thứ 17/27 nước thuộc khu vực châu Á. Tuy nhiên, nếu so sánh lương tối thiểu/GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này của Việt Nam là khá cao, đứng thứ 9/101 nước được khảo sát trên thế giới, 2/27 nước châu Á.
Chính phủ đề ra lộ trình tăng lương tối thiểu nhằm hiện thực hóa mức lương tối thiểu 200 USD vào năm 2018 lấy tiêu chí từ các nước Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, những năm gần đây Malaysia, Thái Lan, Philippines đang giữ nguyên mức lương tối thiểu do ảnh hưởng của đồng tiền xuống giá, sự chênh lệch với Việt Nam cũng đang được thu hẹp.
Cùng đó, Lào đóng mức bảo hiểm cao nhất nhưng chưa đến 10%, Việt Nam đóng tới 26% trong khi GDP của Việt Nam cũng chỉ tương đương Lào, Campuchia và thấp hơn nhiều các nước Thái Lan, Indonesia, Brunei.
>> Việc tăng lương tối thiểu cũng kéo theo mức lương đóng bảo hiểm xã hội tăng. Tỷ lệ này tăng cùng với mở rộng đối tượng làm quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đã tăng ít nhất 82%, tương đương 1,82 lần. |
Phạm Thu