Gỡ nút thắt trong nuôi bào ngư

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bào ngư là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, với chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện tại trên thị trường, bào ngư tươi sống đang được bán với giá từ 550.000 – 650.000 đồng/kg và thường không đủ nguồn cung.

Đặc điểm sinh học 

Bào ngư vành tai có dạng vành tai, mặt ngoài láng nhẵn và thường có 3 tầng xoắn ốc. Vị trí đỉnh vỏ nằm sát mép ngoài vỏ. Mặt ngoài vỏ có 6 – 7 lỗ mở hô hấp. Vòng sinh trưởng rõ nét ở mặt ngoài và mặt trong vỏ. Lớp xà cừ mặt trong vỏ óng ánh. Cá thể lớn nhất có chiều dài vỏ 112 mm. 

Bào ngư ưa thích các vật bám cứng, do vậy thường bám vào san hô chết và mặt dưới của các rạn đá nhô ra biển, nơi có sóng vỗ và lượng ôxy hòa tan cao. Độ mặn bào ngư ưa thích từ 30 – 34‰. Độ mặn và dòng thủy triều cũng như chuyển động sóng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của bào ngư. 

Việc khai thác tràn lan không gắn với bảo tồn là nguyên nhân chính dẫn đến việc bào ngư ngày càng suy giảm. Ảnh: ST

Các yếu tố di truyền đóng vai trò rất lớn trong sinh trưởng của bào ngư. Tuy nhiên, điều kiện môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của chúng như nhiệt độ nước, thức ăn và hoạt động sinh sản. Bào ngư vành tai có tốc độ sinh trưởng từ 2 – 35,6 mm trong 6 tháng, 55 mm trong 1 năm và 75 mm trong 3 năm. Mùa vụ sinh sản của bào ngư thay đổi tùy theo loài và liên quan chặt chẽ đến các điều kiện môi trường nơi sinh sống. Nghiên cứu cho thấy, mùa vụ sinh sản của bào ngư vành tai kéo dài quanh năm, nhưng thời gian đẻ rộ từ tháng 3 – 4 đến tháng 8 – 9 hàng năm. Ở nước ta, bào ngư vành tai phân bố ở vùng biển các tỉnh miền Trung, kéo dài đến Côn Đảo, Phú Quốc tới quần đảo Trường Sa. 

Trên thế giới có gần 100 loài bào ngư, trong đó 10 loài có giá trị kinh tế. Nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Australia, New Zealand…, đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo, sản xuất giống bào ngư ở quy mô công nghiệp. Ở Việt Nam, có 4 loài bào ngư có giá trị thương mại bao gồm: Bào ngư chín lỗ, bào ngư dài, bào ngư bầu dục và bào ngư vành tai. Trong đó, bào ngư vành tai có tiềm năng nuôi trồng do kích thước, trọng lượng cơ thể lớn (dài 112 mm, nặng 167 g) và tốc độ tăng trưởng hằng năm nhanh (55 mm). 

Do nhu cầu tiêu thụ cũng như sức ép khai thác, những năm qua, nguồn lợi bào ngư khai thác tự nhiên ngày một suy giảm. Năm 1970, sản lượng khai thác trên toàn thế giới đạt 19.720 tấn, đến năm 2002 khai thác giảm còn 10.146 tấn và đến năm 2013 chỉ khai thác được 7.486 tấn. Vì vậy, nếu không có biện pháp quản lý phù hợp thì nguy cơ cạn kiệt loài hải sản này là không thể tránh khỏi. 

Chú trọng con giống 

Mặc dù có giá trị kinh tế cao, sản xuất được con giống nhân tạo và tiềm năng nuôi lớn, thế nhưng hiện, mô hình nuôi bào ngư vành tai ở nước ta, đặc biệt là những vùng có nhiều tiềm năng như Vịnh Bắc bộ, Nam Trung bộ… chưa phát triển. Trước thực tế đó, trong hai năm 2020 – 2022, nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu thành công quy trình xuất giống bào ngư vành tai (Haliotis asinina). Đến nay, quy trình đã chuyển giao kỹ thuật cho người dân các địa phương ở Quảng Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) nuôi. 

Được biết, trong quá trình triển khai đề tài, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành thu gom đàn giống bố mẹ ngoài tự nhiên sử dụng trong nghiên cứu. Qua quy trình nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trứng được thụ tinh đạt trên 85%, tỷ lệ trứng nở trên 85%, tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng trôi nổi lên con giống trên 3 mm/con đạt hơn 7% và tỷ lệ sống từ giai đoạn con giống kích thước trên 3 mm lên con giống kích thước từ 3 – 10 mm đạt trên 75%. 

Đặc biệt, qua theo dõi, nguồn con giống cung cấp cho các mô hình được người dân thực hiện đều cho hiệu quả kinh tế cao. Cỡ giống bào ngư thả nuôi khoảng 7 mm/con, mật độ 1.000 con/m², trong quá trình nuôi được san thưa lúc bào ngư lớn. Khi bào ngư đạt khoảng 3 cm, mật độ nuôi khoảng 400 – 500 con/m². Thức ăn bào ngư là các loại rong sẵn có trên đảo. Trước khi cho bào ngư ăn, cần lấy hết thức ăn dư thừa ra. Lồng bè nuôi thương phẩm bào ngư vành tai thiết kế tương tự như lồng bè nuôi tôm hùm. Sau 9 tháng nuôi, bào ngư đạt kích cỡ trung bình 6 cm/con và từ tháng thứ 14 – 15 cho thu hoạch. 

ThS Lại Duy Phương, Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, quy trình kỹ thuật này có thể áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất giống thủy sản nằm trong khu vực ven biển và hải đảo, trên phạm vi toàn quốc, nơi có điều kiện môi trường nước phù hợp với đặc điểm sinh học, sinh thái của loài bào ngư vành tai. 

>> Nuôi bào ngư có nhiều triển vọng bởi kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, tỷ lệ sống khi nuôi thương phẩm đạt cao. 

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!