Góc chuyên gia: Phòng bệnh cho cá trắm đen

Chưa có đánh giá về bài viết

Trắm đen (Mylopharyngodon piceus) là loài cá đặc hữu của Việt Nam và Trung Quốc; được người tiêu dùng ưa chuộng vì có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ngon, thịt thơm và được cho là có khả năng chữa một số bệnh. Hiện nay, cá trắm đen được nuôi ở nhiều nơi như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình…

Tùy vào cỡ cá thu hoạch mà cá trắm đen được bán với giá khoảng 180.000 – 300.000 đồng/kg. Một số mô hình nuôi tiêu biểu như nuôi đơn trong ao nước ngọt, nước lợ, trong lồng trên sông hay hồ chứa; hay nuôi ghép cá trắm đen với cá truyền thống như cá rô đầu vuông, cá rô phi, cá vược…

Cá trắm đen thường rất nhạy cảm với việc thay đổi thời tiết và môi trường; mỗi khi thời tiết thay đổi cá thường giảm ăn sau đó có thể bỏ ăn. Ở các mô hình nuôi công nghiệp, hiện tượng thiếu khí và tích tụ khí độc nhiều trong ao gây chết ngạt cho cá nuôi. Vào thời điểm chuyển mùa cá dễ bị bệnh; một số bệnh thường gặp như: đốm đỏ tương tự bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ, bệnh viêm ruột xuất huyết do ăn phải thức ăn kém chất lượng sau đó nhiễm khuẩn gây viêm và xuất huyết ruột và bệnh ngạt do thiếu khí. Trong quá trình nuôi, nếu quản lý tốt về chất lượng nước ao nuôi, chế độ ăn phù hợp, chất lượng thức ăn tốt thì cá ít nhiễm bệnh. Nếu cho cá ăn thất thường, đặc biệt chất lượng nước kém, ao nuôi mật độ cao… cá thường bị bệnh và dễ chết vào những hôm thời tiết thay đổi.

Nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong quá trình nuôi, người dân cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp và thường xuyên kiểm tra theo dõi tình trạng sức khỏe của cá cũng như sự thay đổi chất lượng nước, tình hình thời tiết để có sự điều chỉnh hợp lý.  Ao nuôi cần được thiết kế hệ thống ao cấp nước, quạt nước, sục khí để cung cấp ôxy và nước sạch kịp thời khi ứng phó với biểu hiện như cá nổi đầu… Thường xuyên theo dõi chất lượng nước ao qua các thông số môi trường (độ trong, ôxy hòa tan, pH, màu nước…) để kịp thời điều chỉnh.

Định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, nếu ao cạn nước thì bơm thêm nước, đảm bảo mực nước ổn định ở mức 1,5 – 2 m. Thường xuyên thay nước cũng là biện pháp tốt để kích thích sự phát triển của thức ăn tự nhiên trong ao. Định kỳ bón vôi 15 – 30 ngày/lần với lượng 2 – 3 kg vôi/100 m3 nước ao, bằng cách hòa loãng và té đều khắp mặt ao. Có thể dùng chế phẩm vi sinh, tần suất sử dụng khoảng 7 – 15 ngày/lần, liều lượng và tần suất dùng tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng ao, thời gian nuôi và loại chế phẩm sử dụng. Chế phẩm vi sinh có tác dụng phân giải mùn đáy ao, hạn chế sự phát triển các vi sinh gây bệnh và giữ môi trường nuôi ổn định.

Vào những thời điểm thời tiết thay đổi cần sử dụng máy phun mưa hoặc máy bơm để tăng cường lượng ôxy hòa tan trong ao. Trước mùa dịch bệnh, người nuôi nên bổ sung thêm thuốc phòng bệnh. Loại thuốc thảo dược phổ biến có thể sử dụng như thuốc Tiên đắc (bột tỏi) trộn vào thức ăn viên ẩm với liều lượng 100 g thuốc dùng cho 500 kg cá/ngày, cho ăn trong 3 ngày liên tục. Khi quan sát thấy cá có biểu hiện mắc bệnh cần xử lý bệnh sớm. Liều dùng thuốc chữa bệnh gấp 5 lần liều cho ăn phòng và cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.

TS Nguyễn Thị Diệu Phương – Viện Nghiên cứu NTTS I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!