(TSVN) – Hà Nội có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, sản lượng thủy sản hàng năm của thành phố khá cao. Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thành phố Hà Nội hiện có tổng diện tích 30.840 ha mặt nước. Trong đó, ao, hồ nhỏ 6.706 ha; hồ chứa mặt nước lớn 4.327 ha; ruộng trũng 19.807 ha. Ngoài ra, còn một số con sông có khả năng phát triển nuôi cá lồng, bè như: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy,…
Đến nay, Hà Nội đã hình thành 102 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại 141 xã thuộc các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì,… với tổng diện tích 12.302 ha (theo Quyết định số 4537/QĐ-UBND của thành phố) và 134 cơ sở nuôi lồng bè (450 lồng nuôi). Các hình thức nuôi tại Hà Nội đa dạng, tập trung chủ yếu là: nuôi bán thâm canh, thâm canh, nuôi kết hợp như: mô hình cá – lúa, tôm – lúa, cá – vịt, nuôi thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái.
10 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội ước đạt 23.300 ha. Ảnh: Kinh tế đô thị
Tính đến hết tháng 10 năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội ước đạt 23.300 ha (chủ yếu là nuôi cá), tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng 102.300 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội, lượng chất thải trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội tương đối lớn và chưa được xử lý theo quy định. Ước tính lượng phát sinh chất thải trong nuôi trồng thủy sản: bùn thải khoảng 96.000 tấn/năm, 156 triệu m3 nước thải/năm. Ngoài ra còn các chất thải khác như: vỏ, bao bì đựng thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; rác thải nhựa trong hoạt động sơ chế, chế biến, kinh doanh thủy sản.
Để triển khai hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản, hàng năm Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện các chương trình tuyên truyền, tập huấn người dân về biện pháp bảo vệ môi trường trong nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng; hướng dẫn triển khai thực hiện các quy hoạch thủy sản; triển khai xây dựng và hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học, bền vững, thân thiện với môi trường; triển khai lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản trong các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp.
Cùng đó, hàng năm, thành phố thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo về chất lượng nước cho 09 – 11 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nên kịp thời khắc phục, hạn chế những rủi ro do tác động của môi trường tới thủy sản nuôi.
Tuy nhiên, hiện công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố chủ yếu là nhỏ lẻ (khoảng 16.562 hộ) nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ chưa thể giải quyết triệt để.
Ngoài ra, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa có hệ thống xử lý nước; chưa có hệ thống thu gom nước thải trước khi xả thải ra môi trường gây nguy cơ ô nhiễm…
Để tháo gỡ những vướng mắc này, ngành nông nghiệp Hà Nội kiến nghị Cục Thủy sản và các cơ quan đơn vị có liên quan sớm ban hành quy định về đánh giá chất lượng chất thải nuôi trồng thủy sản; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản;… Đồng thời, hỗ trợ địa phương về đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hỗ trợ đàn cá bố mẹ cá giống có chất lượng cao…
Bảo Hân