Vườn quốc gia Hang Ma mút ở Kentucky (Mỹ) đã gây choáng váng khi những chiếc đầu “thủy quái” trên 300 triệu năm tuổi lộ ra trên vách hang động.
Các nhà nghiên cứu gọi đó là một “kho báu hóa thạch”. Suốt 10 tháng khai quật, hóa thạch của ít nhất 40 loài cá mập thuộc Kỷ nguyên Cổ sinh Mississippian, tức giai đoạn từ 358,9 đến 298,9 triệu năm trước. Xương và răng cá mập được phát hiện trong trạng thái găm trên vách, trần hang động một cách hết sức kinh dị.
Một phần hài cốt “thủy quái” bị “niêm phong” lơ lửng tên trần hang động – Ảnh: USA TODAY
Lần phát hiện hóa thạch cá mập này có ý nghĩa đặc biệt bởi thứ mà các nhà cổ sinh vật học tìm thấy trong đá: không chỉ răng, mà còn là xương cá mập. “Thủy quái” này là loài xương sụn, nên thông thường chỉ có bộ răng của chúng là được hóa thạch, các phần hài cốt còn lại sẽ tiêu biến theo thời gian. Lần này, ngoài răng còn có các phần xương sống và thậm chí là một chiếc đầu gần hoàn chỉnh.
Theo tiến sĩ John-Paul Hodnett từ Ủy ban Quy hoạch và Công viên thủ đô quốc gia Maryland (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cứ mỗi lần khai quật hài cốt hóa thạch, họ lại đụng thêm một lớp đá chứa hóa thạch khác. Trông như cả một thế giới “thủy quái” bị niêm phong trong khối đá vôi khổng lồ.
Hầu hết các hóa thạch nằm ở khu vực mà khách tham quan Vườn quốc gia Hang Ma mút không thể tiếp cận được, có thể đó là lý do nhưng con cá mập cổ đại này vẫn yên vị nhiều năm mà không ai hay.
Hiện việc nghiên cứu vẫn đang tiếp diễn. Tin mừng là có rất nhiều loài trong số đó chưa được tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới và việc tìm thấy xương của chúng có thể giúp tái hiện lại chân dung những “thủy quái” từng hùng cứ đại dương và “bất bại” trước nhiều sự kiện đại tuyệt chủng trong lịch sử hành tinh.