T2, 06/07/2020 01:32

Hạn ngạch giảm, thương mại cá thịt trắng đảo chiều

Chưa có đánh giá về bài viết

Với việc cắt giảm hạn ngạch khai thác và những thay đổi thương mại bất ngờ đã tạo căng thẳng trên thị trường cá thịt trắng. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng tác động không nhỏ đến loại cá này.


Ảnh minh họa

Sụt giảm nguồn cung

Năm ngoái, Hội đồng Quốc tế Khai thác Biển (ICES) đã đề xuất cắt giảm 47% hạn ngạch cá cod North Sea, từ 53.058 tấn trong năm 2018 xuống 28.204 tấn vào năm 2019. Trữ lượng cá cod North Sea chưa thực sự phục hồi hoàn toàn sau khi sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2006. Một trong số những khó khăn đó là do việc sử dụng các biện pháp khai thác hủy diệt như lưới kéo đáy ở một số ngư trường thuộc North Sea, tạo ra một lượng lớn sản lượng khai thác không mong muốn.

Tình hình khai thác cá cod tại North Atlantic, Mỹ cũng không khả quan. Sản lượng cá cod cập cảng Maine thấp kỷ lục 36 tấn trong năm 2017 so mức 9.500 tấn của năm 1991. Một số bang khác như New England, sản lượng cũng không khá hơn. Ngành khai thác cá tuyết cod Atlantic của Mỹ gần như tê liệt. Năm 1980, tổng sản lượng khai thác cá tuyết cod gần 53.600 tấn; năm 2016, con số này giảm mạnh còn 1.500 tấn.

Do đó, ngành công nghiệp surimi cũng gặp không ít khó khăn vì thiếu nguyên liệu chế biến mà giá lại tăng cao. Thị trường surimi tại châu Âu thời gian gần đây khá trì trệ, đặc biệt là Pháp, doanh số surimi sụt giảm mạnh còn giá nguyên liệu tăng. Ngành surimi của Mỹ đang đối mặt khó khăn tương tự do chi phí thu mua cá thịt trắng Pacific và minh thái Alaska quá cao. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ surimi trên thế giới vẫn không có dấu hiệu giảm. Ngành chế biến cá minh thái Alaska tại Nga hiện đang chuyển đổi dần sang sản xuất fillet, nên không còn sẵn nguyên liệu tươi sống để sản xuất surimi.

Thương mại rối loạn

Tháng 7/2018, sản phẩm thủy sản của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã bị đánh thuế 10% gồm cá cod Pacific, minh thái Alaska, tôm, cá hồi và rô phi. Tháng 9/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá lên đến 200 tỷ USD. Tuy fillet cá tuyết cod và minh thái Alaska nằm ngoài danh sách này, nhưng ông Trump cũng tuyên bố mức thuế sẽ tiếp tục tăng lên 25% và chính thức có hiệu lực tháng 1/2019. Trung Quốc cũng áp thuế trả đũa 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã châm ngòi cho những thay đổi cơ cấu của thương mại quốc tế. Nga được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn cung lớn cho Trung Quốc, vì hai nhà xuất khẩu là Na Uy và Mỹ có thể chuyển sang Campuchia, Thái Lan và Việt Nam làm thị trường chế biến thứ 3. 

Trái ngược với 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng và giá trị xuất khẩu cá minh thái Alaska từ Mỹ tăng cao. Tổng khối lượng xuất khẩu cá minh thái Alaska, gồm surimi tăng lên 244.000 tấn, trị giá 671,8 triệu USD, tăng 9,5% khối lượng và 12,9% giá trị. Xuất khẩu fillet cá minh thái Alaska từ Nga tăng gấp 3 lần lên 31.300 tấn suốt nửa đầu năm 2018. Xuất khẩu cá minh thái Alaska đông lạnh giảm 7% xuống 437.600 tấn còn xuất khẩu cá cod giảm xuống 53.400 tấn (giảm 5,4%).

Na Uy ghi nhận sự sụt giảm về khối lượng xuất khẩu cá cod tươi và đông lạnh suốt nửa đầu năm ngoái, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng. Tổng khối lượng xuất khẩu cá cod tươi giảm xuống 53.000 tấn, nhưng trị giá FOB tăng lên 1,9 tỷ NOK, giảm 5% khối lượng và tăng 3% giá trị so cùng kỳ. Xuất khẩu cá cod đông lạnh cũng giảm xuống 43.000 tấn nhưng trị giá FOB tăng lên 1,65 tỷ NOK, giảm 5% khối lượng và tăng 5% giá trị. Xuất khẩu các sản phẩm cá thịt trắng truyền thống như cá klipfish, stockfish và cá muối tăng cả khối lượng và giá trị suốt nửa đầu năm 2018. Với klipfish, Bồ Đào Nha và Brazil là những thị trường nhập khẩu chính, trong khi cá muối được xuất sang Bồ Đào Nha và Italia, còn thị trường của cá stockfish là Nigeria và Italy.

Các hãng bán lẻ tại Anh cũng đang chứng kiến doanh số bán ra các sản phẩm minh thái Alaska tăng cao. Từ tháng 9/2017 – 8/2018, lượng bán lẻ cá minh thái Alaska tăng 10,6%, đạt 115,4 triệu GBP (149,2 triệu USD). Giá cá đã tăng so với trước đây, bởi vậy khối lượng bán ra chỉ tăng 6% so cùng kỳ. Giá bán buôn cá minh thái Alaska tại Nga cũng đã tăng 24% tại Viễn Đông Nga và tăng 25% tại trung tâm Nga. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá minh thái Alaska cũng tăng cao tại Trung Quốc và châu Âu.

Triển vọng

Tại Nga, xuất khẩu fillet cá minh thái Alaska được kỳ vọng tiếp tục tăng suốt nửa cuối năm 2018. Sản lượng khai thác cá minh thái Alaska từ biển Okhotsk cũng ước đạt khoảng 140.000 tấn vào tháng 11 và tháng 12. Giá cá minh thái Alaska đang tăng ở mọi thị trường, một phần do chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Nhu cầu tiêu thụ cá minh thái Alaska trên thị trường quốc tế vẫn cao, đồng ruble của Nga mất giá so với đồng EUR và USD, còn sản lượng khai thác cá minh thái Alaska ở biển Berring khá thấp đang tác động xấu tới nguồn cung và giá bán. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa tăng cao cũng tạo áp lực lên giá. Khi mùa B có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, các chuyên gia thị trường cũng tin tưởng giá cá minh thái Alaska sẽ tăng từ mức tương đối thấp của 5 năm trước. Dường như, thời giá rẻ của cá minh thái Alaska đã chấm dứt. Giá cá cod cũng được kỳ vọng tăng. Hạn ngạch năm tới cắt giảm tại bắc Atlantic và Barents, còn vụ khai thác tại bắc Atlantic thuộc Mỹ không khả quan và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Còn thị trường surimi châu Âu vẫn khá trì trệ. Thực tế, thị trường này đã suy yếu từ 7 năm qua, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại châu Á lại đang tăng cao, và các hãng chế biến tại châu Á không ngừng cho ra mắt sản phẩm mới từ nguyên liệu địa phương. Tiêu thụ surimi tại Mỹ lại cao và có lẽ sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là khi các sản phẩm mới được tung ra thị trường. Nhưng giá tiêu dùng surimi sẽ tiếp tục tăng, một phần do giá nguyên liệu chế biến cao hơn, và phần nữa là do nhu cầu lớn cộng với nguồn cung bị hạn chế.

>> Theo Hiệp hội các nhà chế biến Atlantic của Alaska, cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ phản tác dụng; người thiệt hại là các nhà chế biến của Alaska và hưởng lợi là Nga và thậm chí Trung Quốc. Vì các nhà xuất khẩu của Alaska sẽ phải đối mặt mức thuế cao hơn tại Trung Quốc và để cơ hội lọt vào tay các nhà xuất khẩu cá minh thái Alaska của Nga. Trung Quốc sẽ xuất khẩu cá minh thái xuất xứ Nga trở lại Mỹ mà không gặp rào cản thuế quan nào.

Mi Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!