Hậu Giang: Thành công nuôi cá lóc đầu nhím bể lót bạt

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là mô hình của ông Hồ Quang Hoàng, 53 tuổi tại khu vực 1, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với khoảng 30.000 con cá lóc đầu nhím, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Ông Hồ Quang Hoàng chia sẻ, ban đầu ông nuôi cá trê vàng trong ao đất, trong bể lót bạt nhưng thành công không cao, tháng 5/2019, ông lặn lội đến Bạc Liêu để tìm hiểu mô hình nuôi cá lóc đầu nhím trong bể bạt hình tròn và bắt đầu tiến hành làm theo.

Thấy chúng tôi khá ngạc nhiên về bể bạt khá to có đường kính 15 m, cao 1,2 m được lọt bạt nilon rất chắc chắn, bên ngoài là các giá đỡ bằng sắt, bên trên là màn che, ông Hoàng lý giải: “Bể có hình tròn, đáy bể thiết kế theo hình lòng chảo nên để khi bơm nước sạch vào; tháo nước bẩn trong bể ra, khi các máy sục ôxy hoạt động thì tạo các luồng nước xoáy theo lực ly tâm để chất cặn bị cuốn hút vào trung tâm bể và được hút ra ngoài. Từ đó, bể không hiệu quả khi thiết kế dạng hình vuông, chữ nhật hay bất kỳ một dạng hình nào khác”.


Nuôi cá trê vàng trong bể bạt tròn chủ động vốn, ít rủi ro Ảnh: Anh Thư

Song song đó, nuôi cá bể lót bạt nilon sẽ hạn chế được việc nguồn nước bị ô nhiễm; tỷ lệ thả nuôi cao hơn rất nhiều lần so cách nuôi trong ao đất, cụ thể chỉ với bể bạt có diện tích khoảng 170 m2, ông Hoàng có thể thả nuôi đến 30.000 con các lóc đầu nhím rất an toàn, cá mau lớn, khả năng rủi ro ít (trong khi đó, nếu thả nuôi chừng ấy cá con phải cần đến 2.000 m2 ao đất). Ngoài ra, cách nuôi này cũng dễ dàng phát hiện các loại dịch bệnh nếu có; lượng thuốc sát khuẩn cần thiết trong bể giảm từ 70 – 80% so cách nuôi truyền thống.

Hiện, chi phí lắp đặt toàn bộ một bể bạt diện tích 170 m2 với các vật tư kèm theo như ống dẫn nước, máy sục khí ôxy, bạt lót, mái che… khoảng 35 triệu đồng; thời gian tái sử dụng từ 4 đến 5 năm. Đặc biệt, với những hộ dân khó khăn về kinh phí đầu tư thì có thể xây dựng bể bạt có kích thước nhỏ hơn, nguồn cá thả nuôi cũng ít hơn tương ứng.

Ông Hoàng cũng chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế của mình, đó là muốn cá chóng lớn, ăn khỏe thì phải thay nước mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh nguồn nước; do vậy cần có nguồn nước sạch liên tục. Theo đó, ông đã sử dụng nguồn nước sông cạnh nhà bơm vào các hồ chứa để lắng lọc trước khi bơm vào bể nuôi cá lóc đầu nhím của mình. Mặt khác, nguồn thức ăn không tiêu thụ hết lẫn phân cá khi tháo bể được ông dùng bón cho hàng trăm gốc bưởi của gia đình giúp tiết kiệm chi phí phân bón.

Về thức ăn cho cá, ông Hoàng chọn thức ăn công nghiệp với sự tính toán: Bình quân 4 kg cá tạp (9.000 – 10.000 đồng/kg) mới tương đương độ đạm của 1 ký thức ăn với giá 17.000 đồng/kg, như vậy dùng thức ăn công nghiệp sẽ có lợi hơn, không tốn thời gian chế biến, xay xát; nếu dùng thức ăn cá tạp, điều quan trọng nhất là luôn đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi khi dùng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, cá lóc đầu nhím là loại thủy sản không phù hợp với thời tiết lạnh, vì vậy khi vào mùa lạnh, ông Hoàng sẽ cho cá ăn vào khoảng 7 đến 8 giờ khi nắng lên (mùa hè từ 5 đến 6 giờ); buổi chiều sẽ cho ăn từ 4 đến 5 giờ khi nắng chưa tắt (mùa hè từ 6 đến 7 giờ). Thức ăn vào mùa lạnh sẽ được ông trộn với tỏi bằm nhuyễn để tăng thân nhiệt cho đàn cá. Ông Hoàng thu hoạch khoảng từ 10 – 12 tấn cá, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Tuấn, cán bộ khuyến nông phường Trà Lồng đánh giá, với thời gian thả nuôi từ 5 – 6 tháng, ông Hoàng đã có lãi lớn so với các mô hình thủy sản khác, đặc biệt, mô hình này còn rất phù hợp với những hộ dân có ít diện tích thả nuôi, Trung tâm chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình mới lạ này cho người dân tại địa phương.

Phan Thị Anh Thư

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!