Hãy xem Farm Bill 2014 như cơ hội

Chưa có đánh giá về bài viết

Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2014 (Farm Bill 2014); trong đó có những điều khoản gây lo ngại cho giới nuôi trồng và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Cần nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Đối phó khủng hoảng và toàn cầu hóa

Việc Chính phủ Mỹ thông qua Farm Bill 2014 là hệ quả tất yếu của những thay đổi sâu rộng của nền kinh tế thế giới những năm qua. Quá trình toàn cầu hóa rộng rãi đã khiến thị trường Mỹ như một điểm đến lý tưởng của các loại hàng hóa mà vì nhiều lý do, nó vẫn được coi là mở cửa thông thoáng nhất. Sự bùng nổ của các nền nông nghiệp lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… đang tạo áp lực lớn lên ngành nông nghiệp Mỹ. Kết hợp sự suy thoái kinh tế với việc nguồn cung ngày một lớn, có thể nói giá cả nông sản liên tục hạ, khiến cho những người nông dân Mỹ phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ. Bên cạnh đó mấy năm qua Mỹ cũng chịu nhiều thiên tai.

Farm Bill 2014 được thông qua với việc Chính phủ Mỹ cam kết ủng hộ nhiều hơn nữa việc vực dậy nền nông nghiệp Mỹ. Nhiều tỷ USD sẽ được Chính phủ sử dụng để giúp nông dân khắc phục thua lỗ do thiên tai và giá rớt. Bên cạnh đó, dường như cũng có khuynh hướng (tuy chưa thể hiện cụ thể), Chính phủ Mỹ sẽ siết chặt thị trường nhập khẩu nông nghiệp với những chính sách khắt khe hơn. Quá trình này sẽ gạn lọc những sản phẩm kém chất lượng, giá quá thấp, không rõ nguồn gốc. Như vậy, thị trường Mỹ sẽ chỉ mở cửa có điều kiện với các nguồn nhập khẩu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành chính thức Đạo luật Nông nghiệp Mỹ ngày 7/2/2014 tại tiểu bang Michigan – Ảnh: Stablenow.senate.gov

Đạo luật thông qua nhìn chung được giới nông nghiệp ủng hộ. Tuy nhiên nhiều quan điểm, chủ yếu xuất phát từ các viện nghiên cứu Mỹ, lo ngại khuynh hướng can thiệp sâu của Chính phủ vào thị trường, gia tăng bảo hộ của Chính phủ không chỉ ảnh hưởng đến tính tự do của thị trường mà còn ảnh hưởng đến nhiều nông dân trên thế giới vốn sinh sống dựa vào thị trường Mỹ.

 

Ám ảnh các nhà xuất khẩu

Farm Bill 2014 nhận được nhiều phản ứng trái chiều tại Việt Nam. Những ý kiến tích cực cho rằng, việc thực hiện những điều khoản của đạo luật là tất yếu. 

Thật ra việc truy xuất nguồn gốc và thống nhất quy trình nuôi trồng sản xuất không có gì mới. Thậm chí xu hướng nuôi trồng xuất khẩu phổ biến trên thế giới những năm qua đều đi đến khẳng định quy trình này trong tiến trình toàn cầu hóa, nhằm đảm bảo rằng những sản phẩm kém tiêu chuẩn không thể chui lọt vào các siêu thị và nhà người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc tuân thủ những yêu cầu về tiêu chuẩn nuôi trồng đã và đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng và đây không phải một rào cản tiêu cực đánh vào các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Một số doanh nghiệp khác lại cho rằng, đạo luật sẽ là rào cản lớn đối với cá tra Việt Nam. 

Thị phần cá tra Việt Nam tại Mỹ tăng từ 37% lên 76% trong 5 năm qua; trong khi, sản xuất cá da trơn nội địa của Mỹ giảm 40%. Do khó giảm được giá thành nuôi trồng trong nước, rất có thể ngành nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng hàng rào kỹ thuật. Chẳng hạn, nếu bắt buộc nông dân Việt Nam phải nuôi cá tra đúng như quy trình của cá da trơn tại Mỹ, khi đó giá thành cá tra Việt Nam sẽ tăng khiến cuộc cạnh tranh trở nên “dễ thở” hơn. Điều này khiến nhiều người lo ngại, điều kiện tự nhiên, thói quen, văn hóa nuôi trồng mỗi nước mỗi khác, sẽ dẫn đến việc các nông trại ở Việt Nam không đáp ứng được mô hình của nông dân Mỹ.

 

Thách thức cũng là cơ hội

Nếu áp đặt cái nhìn quá tiêu cực với Farm Bill 2014, có lẽ không phù hợp. Bởi Farm Bill 2014 vốn được thông qua để phục hồi nền nông nghiệp Mỹ và nó được áp dụng với mọi nhà nhập khẩu chứ không riêng Việt Nam, nếu Việt Nam gặp khó thì các đối thủ của Việt Nam cũng vậy.

Nguồn: Dailykos.com

Nếu Việt Nam khẳng định được uy tín với ngành nông nghiệp Mỹ thì đây sẽ lại là lúc giải quyết được nhiều khúc mắc và tạo ra sự thông thoáng trong đối thoại hơn là đối đầu như trong quá khứ giữa hai ngành nông nghiệp.

Thực tế, việc hạn chế nhập khẩu hay áp đặt hàng rào kỹ thuật có xảy ra hay không và đến mức độ nào, đều mới chỉ là dự đoán, bởi cần phải có những hướng dẫn chi tiết hơn đối với các mặt hàng thủy sản, khi đó mới biết mức độ ảnh hưởng của đạo luật với các mặt hàng mũi nhọn của Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng, Farm Bill 2014 của Mỹ, nếu nhìn theo khía cạnh tích cực thì đây là cơ hội để ngành cá tra Việt Nam thay đổi theo hướng hiện đại hóa.

Một giám đốc công ty nuôi trồng chia sẻ, nếu như trước đây chúng ta chỉ có vài chục công ty nuôi cá tra thì bây giờ số đó đã tăng nhiều lần. Thị trường trở nên manh mún, các công ty không đủ điều kiện đầu tư (do diện tích và sản lượng giảm, lợi nhuận không còn cao như trước). Chưa kể việc tranh mua tránh bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra. Đặc biệt thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu lại bị chi phối bởi các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Các công ty chế biến lại sử dụng nguyên liệu từ nhiều nước khác, khiến uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam tổn hại nghiêm trọng. Ai dám đảm bảo thực phẩm đến từ Việt Nam đích thực xuất xứ Việt Nam? Việc ngành nông nghiệp Mỹ, nếu áp dụng các quy định về truy xuất nguồn gốc và đòi hỏi thống nhất quy trình nuôi trồng với sản phẩm đến từ Việt Nam dĩ nhiên sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam đi vào quỹ đạo sản xuất và nuôi trồng chất lượng.

Một số doanh nghiệp khác thổ lộ, trước sức ép của thị trường Mỹ, không ít nhà xuất khẩu của Việt Nam đã hướng sang thị trường ít khắt khe hơn, là Trung Quốc. Xu hướng này không thể gọi là tích cực. Bởi trong số những tiêu chuẩn nuôi trồng sản xuất hiện đại mà Mỹ và EU áp dụng thì ngoài vấn đề chất lượng, đảm bảo môi trường, còn liên quan chất lượng đời sống nông dân. Trong khi đó, chất lượng môi trường và quyền lợi của nông dân lại là vấn đề nổi cộm ở Trung Quốc mà nước này thường xuyên phải đối mặt.

>> Farm Bill 2014 của Mỹ là một thách thức với những doanh nghiệp, những vùng nuôi còn thiếu đầu tư và còn manh mún, lạc hậu. Nhưng nó không phải vấn đề mới mẻ và quá lớn đối với những doanh nghiệp và vùng nuôi vốn đã tiếp cận các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới mà chính ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực hướng tới. 

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!