Ngày 26/2, Tổng cục Thủy sản đã công bố kết quả nghiên cứu bước đầu về nguyên nhân dịch bệnh tôm hoành hành hai năm qua, gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính.
Theo đó, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, đặc biệt một số loài thuộc giống Vibrio như V. parahaemolyticus, V. harveyi. Đó là thành phần chủ yếu tìm thấy ở hầu hết các mẫu tôm giống, tôm nuôi thương phẩm có hội chứng hoại tử gan tụy. Tóm lại, Vibrio là tác nhân mang đến hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi.
Tuy nhiên, quá trình sinh bệnh là con đường vòng. Thực nghiệm khi chỉ dùng Vibrio làm nguồn gây nhiễm thì không mang lại kết quả tôm bị bệnh. Nghiên cứu đã phát hiện phage ở Vibrio và thực nghiệm lây nhiễm kết hợp Vibrio bổ sung phage cho thấy, có thể Vibrio cùng phage là tác nhân trực tiếp gây hoại tử gan tụy ở tôm.
Phage là “thể thực khuẩn”, nó sống ký sinh vào cơ thể vi khuẩn và cuối cùng làm tan rã vi khuẩn. Thực khuẩn thể (phage) là một thể “ăn” vi khuẩn, hay nói cho đúng là virus của vi khuẩn; nó có thể gây bệnh và tiêu diệt vi khuẩn. Hiện tượng thực khuẩn thể nói chung rất đặc hiệu, giống như chìa nào chỉ mở được ổ khóa ấy – một chuẩn vi khuẩn chỉ bị một thực khuẩn thể tương ứng làm tan vỡ mà thôi. Thực khuẩn thể chỉ có thể nhân lên khi ký sinh vào tế bào vi khuẩn.
Ở Việt Nam, sử dụng sản phẩm thuốc, hóa chất, chất bổ sung, chất kích thích miễn dịch và probiotics hầu như đang thiếu kiểm soát. Có nhiều sản phẩm gọi là “chế phẩm vi sinh” do nhà sản xuất “tay ngang” nhập giống từ nhiều nguồn về nuôi cấy nhân sinh khối rồi bán ra thị trường. Việc này rất nghiêm trọng, vì các chủng vi sinh không đạt chất lượng, không được kiểm soát có thể bị đột biến phage trở thành các chủng gây độc – Hội thảo tư vấn khu vực bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPNS tại Thái Lan đã cảnh báo việc sử dụng sản phẩm vi sinh tồi (bad probiotics). Điều nguy hiểm là một số chế phẩm sinh học có nhiễm vi khuẩn thuộc giống Vibrio, có chế phẩm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus tới 3×103 CFU/g.
Các yếu tố môi trường, tảo độc và thuốc bảo vệ thực vật không trực tiếp gây hoại tử gan tụy cấp ở tôm, nhưng ảnh hưởng tới sự bùng phát và mức độ trầm trọng của dịch bệnh. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh tôm chết sớm do hội chứng gan tụy. Để có kết luận chắc chắn về nguyên nhân gây hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi, các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu cần được tiếp tục, tập trung vào vai trò của Vibrio và phage.
Các nhà khoa học cũng kiến nghị, trong năm 2013, tổng kiểm tra chất lượng các chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm, cấm sản xuất kinh doanh chế phẩm không đảm bảo chất lượng; cần thiết đưa Vibrio là đối tượng kiểm soát chất lượng tôm giống.