Để trồng lúa sẽ có cách tích nước ngọt nhưng nếu ngăn mặn, người dân toàn khu vực ĐBSCL sẽ không thể có nước để nuôi tôm.
Trong khi dự án cống Cái Lớn – Cái Bé còn nhiều tranh cãi, Bộ TNMT và Bộ NN-PT-NT đã phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo tác động môi trường thì các nhà khoa học vẫn không ngừng bày tỏ nghi ngại. GS Võ Tòng Xuân lo ngại, dự án ngọt hóa ĐBSL nếu vội vã, sẽ có nhiều hệ lụy khó lường.
Chọn lúa hay chọn tôm?
GS Võ Tòng xuân bày tỏ lo ngại, nếu xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé thì kết quả cuối cùng sẽ là đi ngược lại hoàn toàn với Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời ngày 17/11/2017.
Vị GS cho biết, khi nghị quyết này ra đời, người dân toàn khu vực ĐBSCL đã rất phấn khởi xem đây như cơ hội để đổi đời.
“Suốt 30 năm gắn bó với cây lúa, đời sống của người dân không thể tốt hơn được, thì nay, nghị quyết 120 chính là cửa mở giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản, làm giàu chính đáng.
Như vậy, với nội dung chỉ đạo của nghị quyết thì nguồn nước mặn là tài nguyên, và phát triển trên nguyên tắc ‘thuận thiên’. Trong đó ưu tiên 3 trụ cột kinh tế của ĐBSCL hiện nay là Thủy sản – Cây trồng khác – Lúa gạo. Như vậy, cây lúa chỉ đứng ở vị trí cuối cùng. Trong khi đó mục tiêu của dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé vẫn nặng về ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, đặt sản xuất lúa lên hàng đầu. Như vậy, là đi ngược lại chủ trương của Nghị quyết 120″, GS Võ Tòng Xuân chỉ rõ.
Tiếp theo, vị GS cho rằng, chủ trương “ngọt hóa” ĐBSCL là hoàn toàn không phù hợp. Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau đã mất rất nhiều công sức nghiên cứu nhưng cuối cùng nước ngọt cũng không đủ dùng trong mùa khô ngoại trừ một số vùng trũng ở khu vực trung tâm. Mùa mưa phải mở cống để lấy nước mặn nuôi tôm và để tránh nẻ đất, xì phèn. Vì vậy mà chức năng theo thiết kế của các công trình thủy lợi nơi đây về cơ bản có thể xem là phá sản. Hệ lụy là có những vùng nước đứng như ở huyện Phước Long gây ô nhiễm nặng môi trường nước. Hệ lụy này cũng sẽ là kịch bản với khu vực ĐBCSL nếu dự án thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé được triển khai.
“Nếu còn lấy cây lúa để quy ra GDP thì sẽ còn những dự án bất hợp lý như dự án này và sẽ còn nhiều dự án thủy lợi khác được xây dựng chỉ để lấy thành tích mà không giúp ích gì cho mục tiêu phát triển, sản xuất, làm giàu cho người dân địa phương.
Cần hạn chế diện tích trồng lúa, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, để cải thiện đời sống.
Hơn nữa, cây lúa thì chất lượng nguồn nước không quá khắt khe như nuôi trồng thủy sản. Cụ thể là nguồn nước có độ chua pH>4.0 và độ mặn <4o/oo là có thể trồng lúa được. Trong khi đó, để có thể nuôi trồng thủy sản thì nguồn nước ngoài độ chua, độ mặn, còn đòi hỏi về hàm lượng khí ôxy, nồng độ các chất hóa học, các chất ô nhiễm và kể cả nguồn dịch bệnh.
Vì vậy, nếu không có dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, người dân vẫn có thể trồng lúa, nuôi tôm nhưng nếu làm dự án này lúa cũng không phát triển mà nước mặn nuôi tôm sẽ không có. Người dân sẽ không thể thực hiện được mục tiêu xuất khẩu tôm như đã đề ra”, GS Võ Tòng Xuân phân tích.
GS Võ Tòng Xuân tỏ ra khó hiểu khi một dự án với nhiều tác động, nhiều hệ lụy xấu như vậy vẫn được các cấp lãnh đạo địa phương rốt ráo đề xuất, trong khi đó, các Bộ ngành trung ương lại chưa xem xét, lắng nghe những góp ý của các nhà khoa học một cách thận trọng, cầu thị.
Vị chuyên gia đặt câu hỏi: Có lợi ích nhóm trong dự án này không? Ông cảnh báo, nếu chỉ vì chạy theo lợi ích nhóm mà dồn ép người dân, gây khó khăn tới đời sống, sản xuất của người dân thì hậu quả nhận lại sẽ là vô cùng nghiêm trọng.
Tiêu diệt nguồn gen
Đồng quan điểm với GS Võ Tòng Xuân, KS Vũ Hải (TP.HCM) cũng cảnh báo dự án này sẽ tác động rất lớn tới môi trường, điều kiện nuôi trồng tại khu vực này.
Đáng quan ngại hơn, KS Vũ Hải cho rằng, ĐBQSCL đang là vùng nước mặn, nếu có ý định ngọt hóa khu vực này sẽ giết chết hết nguồn gen sẵn có trong lòng đất.
“Cây cỏ tự nhiên mọc trong đầm lầy là do nguồn gen vốn có trong chất đất của khu vực đó. Nếu bây giờ thay đổi môi trường, làm ngọt hóa toàn khu vực, tức là thay đổi điều kiện sống, thì sẽ tiêu diệt hết nguồn gen tự nhiên.
Người dân địa phương đang nghèo, rất nghèo, do đó làm gì cũng phải nghĩ xem người dân có sống được không? Phải tính tới tác động, hiệu quả dự án có thể mang lại cả trước mắt và sau này, không thể chỉ nhìn vào những khái niệm trên giấy mà làm được”, KS Vũ Hải thẳng thắn.
Cả GS Võ Tòng Xuân và KS Vũ Hải đều cho rằng, thay vì triển khai xây dựng dự án, các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương cần tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống dẫn, phân luồng nước mặn giúp người dân phát triển nuôi trồng thủy sản cho tốt hơn. Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống, cây con, phù hợp với điều kiện phát triển của khu vực ĐBSCL nhằm tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực này, giúp người dân làm giàu bền vững.
“Nước mặn chính là nguyên liệu quý cho người dân khu vực ĐBSCL để sản xuất, người dân ở đây rất cần nước mặn vậy tại sao lại đi ngọt hóa. Sao lại có những lập luận kỳ quặc, phi khoa học như vậy? Hủy hoại ngành nuôi trồng thủy sản thì cuối cùng dự án làm vì ai, lợi cho ai?”, KS Vũ Hải đặt câu hỏi và mong muốn, quyết định dừng triển khai dự án sẽ sớm được đưa ra.