Sáng nay tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân, Hội thảo Chuyên đề 5 với nội dung “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế” dưới sự chủ trì của ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Hội thảo Chuyên đề 5 với nội dung “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế” diễn ra tại Hà Nội
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế ở Việt Nam và thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế được mở với thị trường hơn 96 triệu dân trong nước.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc lựa chọn phương thức phát triển chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm dựa trên các nguyên tắc: Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị; bên cạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, Nhà nước đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững. Bên cạnh đó, các bộ ngành đang xây dựng liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để kết nối với cả thị trường toàn cầu, thị trường khu vực và thị trường nội địa; đẩy mạnh áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu thị trường ở tất cả các công đoạn.
Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo đó chính là việc triển khai chuỗi nuôi tôm thương phẩm (một mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản) đáp ứng yêu cầu của một số thị trường trọng điểm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm là sản xuất nhỏ lẻ, và khi sản xuất nhỏ lẻ thì không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Theo đó, vấn đề cốt lõi cần phải tháo gỡ chính là việc tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất lớn. Chia sẻ về giải pháp phát triển ngành tôm, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất, liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với vai trò đầu tàu của doanh nghiệp; cùng đó, thử nghiệm chuỗi liên kết hoàn chỉnh, tổ chức để giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra sản phẩm và nhất là cần có cơ chế bảo hiểm để tăng cường thương hiệu và khả năng cạnh tranh của ngành tôm.