Hiệu quả cao từ mô hình sinh kế mùa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả mô hình sinh kế mùa lũ bằng hình thức canh tác lúa, nuôi con vịt và dẫn dụ cá tự nhiên vào ruộng nuôi tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp).

Mô hình sinh kế mùa lũ được thực hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Vương ở ấp Phú Thọ C, huyện Tam Nông. Với diện tích 3 ha, vụ đông xuân từ lúa và nuôi 3.000 con vịt, mô hình thu được 50,5 triệu đồng/ha; vụ hè thu thu nhập bình quân từ lúa kết hợp thả nuôi 5.000 con cá lóc giống lên mương ruộng lúa và nuôi 3.000 con vịt được 24,6 triệu đồng/ha; mùa nước nổi củng cố lại hệ thống ao, mương và đê, thiết kế thêm hệ thống 2 ao trữ cá cập bờ xáng, lên đê bao lửng quanh toàn bộ diện tích mô hình 3 ha, chuẩn bị lưới và cừ tràm cho việc nhử cá. Đồng thời, thả nuôi 3.000 con vịt đẻ và trồng thêm bông điên điển quanh đê bao lửng nên mô hình có thu nhập gần 6 triệu đồng/ha. Tính chung, hiệu quả qua 10 tháng thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ thuộc Dự án WB 9, người dân thu lợi nhuận trên 80,7 triệu đồng/ha.

Mô hình được đánh giá đã phát huy được tiềm năng tài nguyên đất, nước trên cùng diện tích của nông hộ; tạo ra chuỗi giá trị thức ăn tuần hoàn khép kín và tận dụng phụ phẩm của từng đối tượng lúa, vịt, cá, môi trường đất, nước trên đồng ruộng; tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng cao tối đa lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích và nâng cao năng lực lao động. Nếu chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm thì lợi nhuận bình quân từ 25 – 30 triệu đồng/ha/năm còn áp dụng mô hình sinh kế thì lợi nhuận tăng lên trên 80,7 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp 2,7 – 3,2 lần so với sản xuất lúa đơn thuần.

Nhiều đại biểu kiến nghị tiếp tục giới thiệu, liên kết tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm của mô hình; hoàn chỉnh mô hình phù hợp với khả năng và tình hình thực tế hộ tham gia mô hình…

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!