T2, 06/07/2020 09:55

Hiệu quả của nghề nuôi cá nước lạnh ở nước ta và những bất cập hiện nay

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi cá nước lạnh là nghề mới ở nước ta, Đề án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh được Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I khởi động năm 2005 tại Thác Bạc, Sa Pa, Lào Cai, sau đó chuyển vào nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng vào năm 2007. Chỉ sau 6 năm thử nghiệm, đến nay phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trên 14 tỉnh, điển hình là Lào Cai, Lâm Đồng, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La…

Nhiều cá nhân, tổ chức đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nuôi cá nước lạnh. Sản lượng cá nước lạnh cả nước hiện nay ước đạt 800 tấn, riêng tỉnh Lâm Đồng sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh chóng mặt; năm 2007 sản lượng là 20 tấn thì đến năm 2011 dự kiến là 400 tấn, sau 5 năm sản lượng tăng lên 20 lần, bình quân tăng 4 lần/năm, hiện nay có 13 đơn vị đã triển khai thực hiện đầu tư nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng với tổng số vốn gần 360 tỷ đồng. Năng suất bình quân đối với ao nuôi nước chảy là 13,5 tấn/ha (trên 4 tỷ đồng), đối với cá tầm nuôi lồng bè trên hồ chứa khoảng 10 – 15 kg/m3 lồng.

Sở dĩ phong trào nuôi cá nước lạnh phát triển mạnh như vậy là vì tính hiệu quả của nó, giá bán cá hồi thương phẩm vào mùa vụ tại các khu vực sản xuất là 300.000 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên 450.000 đồng/kg mà cũng không cá mà bán, trong khi đó giá thành sản xuất chỉ khoảng 140.000 đồng/kg. Đối với nuôi cá tầm lấy trứng hiệu quả còn cao hơn nhiều lần so với nuôi cá hồi… Điều đó đã lý giải tại sao phong trào nuôi cá nước lạnh lại phát triển nhanh như vậy.

Mục tiêu đến năm 2015 tổng sản lượng cá nước lạnh đạt 1.500 tấn (tăng gần 2 lần so với hiện nay), trong đó cá tầm đạt 1.000 tấn, cá hồi đạt 500 tấn.

Dự án phát triển nuôi thủy đặc sản do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì giai đoại 2011 – 2013 đã xây dựng mô hình nuôi cá hồi tại tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng và nuôi cá tầm tại tỉnh Thái Nguyên, Đắk Lắk với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy phong trào nuôi cá nước lạnh của cả nước, kinh phí này rất ít so với khoản đầu tư nuôi cá nước lạnh phải chi phí.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được đáng khích lệ đó còn có những bất cập cần khắc phục:

Một là, phát triển chưa có quy hoạch: Đến nay phong trào phát triển nuôi cá nước lạnh vẫn tự phát, chưa có quy hoạch, mạnh ai nấy làm, người làm sau trèo lên phía trên người làm trước gây ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh là điều khó trách khỏi.

Hai là, về giống: Hiện nay nước ta chỉ sản xuất được cá hồi, còn cá tầm phải nhập khẩu trứng đã thụ tinh về ấp với giá rất cao, khoảng 10.000 đồng/quả, dự kiến đến năm 2015 chúng ta mới chủ động được giống hoàn toàn. Do việc nuôi cá nước lạnh hiệu quả cao nên nhiều doanh nghiệp nuôi thương phẩm cá nước lạnh lần lượt ra đời, mở rộng đến tất cả những nơi có thể nuôi được như khe suối, sông, hồ… trong khi đó chúng ta chưa sản xuất được giống cá tầm, giống cá hồi tuy sản xuất được nhưng giá thành còn cao. Có doanh nghiệp biết giữ uy tín và trọng dụng khách hàng, chia sẻ hài hòa các lợi ích thì cả người mua và người bán đều có lợi. Cũng có nhiều người làm ăn chụp giật kiểu “đánh nhanh rút gọn” miễn bán được giống, lãi càng nhiều càng tốt, thì người mua bị thiệt, đây cũng là dấu hiệu bất ổn của nghề nuôi cá nước lạnh lâu dài.

Ba là, thức ăn: Chúng ta vẫn phải nhập khẩu thức ăn cho cá nước lạnh từ các nước Pháp, Phần Lan… năm 2011 khoảng 350 tấn. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn dùng thử thức ăn sản xuất trong nước và đang kiểm nghiệm chất lượng thịt cá thương phẩm để đối chứng. Nếu chúng ta không sản xuất được thức ăn trong nước, vẫn phải nhập khẩu thì khó giảm được giá thành cá thương phẩm, vậy cá nước lạnh vẫn là loại thực phẩm chỉ bán trong các nhà hàng đặc sản mà xa vời với người lao động.

Bốn là, về vốn: Để có 1 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh người dân phải chi phí 20 tỷ đồng, đây là số vốn đầu tư rất cao, nếu không có sự giúp đỡ của nhà nước, của địa phương và liên kết chặt chẽ 4 nhà thì nghề cá nước lạnh phát triển thiếu bền vững.

Năm là, về thị trường: Chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có quy trình nuôi chuẩn, hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán, nuôi theo kinh nghiệm. Chưa thành lập được Hiệp hội nuôi cá nước lạnh Việt Nam nên thiếu định hướng, lợi ích người nuôi cá chưa được bảo vệ.

Sáu là, đội ngũ cán bộ: Chưa đào tạo được nhiều chuyên gia về lĩnh vực này nên hiện nay thiếu đội ngũ cán bộ giỏi giúp các doanh nghiệp phát triển nuôi cá nước lạnh trên các địa hình.

Kim Văn Tiêu

Khuyến Nông VN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!