Hòa Bình: Khuyến cáo bảo vệ thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Tỉnh Hòa Bình hiện có 2.700 ha diện tích mặt nước ao, hồ và trên 5.000 lồng nuôi cá. Những tháng đầu năm nay, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm làm mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản lồng, bè. Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, các yếu tố môi trường biến động mạnh kết hợp với hiện tượng mưa lũ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá nuôi lồng, bè.

Người nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ thủy sản, hạn chế thiệt hại. Ảnh: Mạnh Hùng

Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết, thời gian qua, ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi đăng ký lồng, bè theo quy định. Đồng thời tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, làm tốt công tác kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi cá lồng, bè.

Khi mực nước trên sông/hồ giảm, người dân cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để đảm bảo độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 – 3 m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ. Theo dõi, kiểm tra hoạt động cá nuôi hàng ngày, bố trí dụng cụ, thiết bị tăng cường ôxy hòa tan trong nước (máy bơm, sục khí…) để xử lý kịp thời khi phát hiện có hiện tượng thiếu ôxy (cá nổi đầu).

Bổ sung vitamin, chất khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và môi trường. Treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi. Cùng với đó, bố trí khoảng cách bè nuôi giữa các cụm cách nhau 10 m, không bố trí bè nuôi quá dày, cản trở dòng chảy, làm ôxy hòa tan vào nước trong bè nuôi cá giảm. Thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi, vớt xác cá chết, không vứt xác ra môi trường xung quanh.

Ngoài ra, người nuôi cần chuẩn bị sẵn máy bơm, máy sục khí để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu. Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường nước nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối. Phát hiện sớm những biến động môi trường ảnh hưởng xấu đến thủy sản nuôi và kịp thời xử lý. Trường hợp phát hiện cá chết, phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân và cách xử lý.

Thái Thuận

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!