Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 12 (P. 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôm thẻ chân trắng 20 ngày tuổi, ban ngày không thấy tôm, ban đêm thấy nhiều tôm bơi ngược dòng nước chảy, có một vài con nằm mé bờ, rải thức ăn thì tôm có bắt mồi. Xin hỏi có phải tôm kéo đàn không? Hiện tượng như vậy thì có phải đáy ao dơ hay không, biện pháp xử lý? (Hoàng Vĩnh Tôn – huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Tôm mới thả được 20 ngày tuổi nên vẫn còn nhỏ, nếu thả mật độ thưa hoặc trời nắng thì ban ngày tôm chui xuống sâu sẽ không nhìn thấy. Tôm hoạt động mạnh về đêm, nhiều con bơi ngược dòng và bắt mồi như vậy là bình thường chứ không phải tôm kéo đàn (do ao có khí độc nhiều). Nếu tôm kéo đàn thì không chỉ ban đêm mà ban ngày chúng cũng kéo đàn (nổi lên gần mặt nước và bơi vòng xung quanh ao để tìm lối thoát ra ngoài). Vậy bạn không nên lo lắng quá. Tuy nhiên, sau 20 ngày nuôi thì lượng chất thải đã hình thành trong ao, tuy chưa đến mức đáy ao bị dơ, nhưng bạn cũng cần xi phông đáy ao và bón thêm chế phẩm vi sinh để hạn chế ô nhiễm nước và đáy ao, giúp tôm khỏe mạnh hơn.

 

Hỏi: Cách trị bệnh lở, loét trên miệng, da, đuôi, mang sưng phồng cá chạch sụn?(A Lan – huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Nếu cơ thể cá chạch sụn bị lở loét, mang sưng phồng thì nguy cơ cá bị nhiễm nấm hay ký sinh trùng là rất cao. Nguyên nhân do cải tạo ao không kỹ, lượng bùn đáy còn nhiều, hoặc ao nuôi vào giai đoạn cuối vụ, nước không được thay định kỳ, cộng với thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng và nấm phát triển.

Cách trị bệnh: Sử dung Formol hoặc Iodine liều lượng 1 lít/1.200 – 1.400 m3 nước hòa loãng té xuống ao (9 – 10 h sáng), đồng thời bơm liên tục để hóa chất đảo đều trong nước, diệt khuẩn được hết các tầng nước và làm nước bốc hơi nhanh, giảm độc cho cá. Có thể té hóa chất từ 2 – 3 lần (2 ngày/lần), sau đó trộn Vitamin C vào thức ăn liều lượng 20 g/100 kg cá để tăng sức đề kháng của cá.

Hỏi: Xin cho biết hệ số chuyển đổi thức ăn của cá trắm đen và cá trắm cỏ đối với cám công nghiệp. Để tăng 1 kg cá trắm đen thì hết bao nhiêu kg ốc? Làm thế nào mà cá vẫn có thể lớn nhanh trong mùa đông ở miền Bắc? (Nguyễn Hữu Mạnh xã Định Mỗ, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời: Hệ số chuyển đổi thức ăn cá trắm đen và trắm cỏ phụ thuộc vào từng loại cám công nghiệp có hàm lượng đạm khác nhau, điều kiện môi trường ao nuôi và chế độ chăm sóc. Thông thường, cám công nghiệp có độ đạm từ 30% trở lên thì ở cá trắm đen là 2,0 – 2,2; cá trắm cỏ 1,6 – 1,8. Đối với cá trắm đen, để tăng được 1 kg cần 14 – 16 kg ốc, tuy nhiên hệ số này còn phụ thuộc vào mật độ thả nuôi và lượng ốc trong ao. Ở miền Bắc, về mùa đông nhiệt độ hạ thấp nên hầu hết cá đều giảm ăn, ngừng sinh trưởng mà chỉ tích lũy mỡ. Để cá có thể lớn nhanh được thì phải lắp đặt hệ thống nâng nhiệt cho ao, tuy nhiên chi phí này rất tốn kém, do vậy bạn cần cân nhắc biện pháp này.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!