T2, 06/07/2020 10:03

Hỏi đáp về kỹ thuật nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thời gian vừa qua, Chuyên san Con Tôm đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc về các vấn đề liên quan trong nuôi tôm. Ban Tư vấn Kỹ thuật của Tòa soạn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bạc Liêu giải đáp một số câu hỏi của bà con.

Anh Ngô Hồng Quang (ấp Xẻo Cốc, xã Lai Hòa, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hỏi: Tôm nuôi gần 3 tháng, nước bị đỏ rất nhiều. Hiện nay tôm giảm ăn có phải do tảo đỏ ảnh hưởng không? Cách nào diệt tảo đỏ và nếu dùng thuốc thì tôm có an toàn không?

Anh Ngô Hồng Quang và bà con thân mến!

Tôm giảm ăn do nhiều nguyên nhân có thể do thời tiết, tôm sắp lột, do mất tảo, tảo phát triển quá mạnh khiến tôm thiếu ôxy về đêm, do ảnh hưởng của các yếu tố môi trường trong ao nuôi (độ kiềm thấp, biến động pH…) hoặc tôm đã có biểu hiện của bệnh… Vì vậy, anh nên theo dõi chặt chẽ diễn biến của tôm trong ao, giảm thức ăn trong ngày xuống còn 60%, tăng thuốc phòng bệnh lên gấp 2, 3 lần bình thường và xử lý nguồn nước ao nuôi.

Còn nước bị đỏ thì ngoài tảo đỏ còn có thể do ảnh hưởng của các nguyên tố khác trong ao. Và có khi do các loài tảo thuộc một trong các chi Peridinium, Goniaulax và Ceratium của ngành tảo giáp (Pyrrophyta) như là loài Peridinium cinctum, Ceratium hirundinella… khi chúng phát triển mạnh làm cho nước có màu đỏ (còn gọi là xích triều). Về mặt ý nghĩa thì các loài tảo này là thức ăn tốt cho các loài cá, nhưng cũng có trường hợp làm tôm cá chết hàng loạt do trong đó có một số loài tảo thuộc chi Goniaulax chứa chất độc vì tích luỹ nhiều Cu+2, nên tôm có thể nhiễm độc chết. Trường hợp ao tôm của anh gần 3 tháng, giai đoạn này tôm sử dụng thức ăn công nghiệp là chính nên không cần giữ màu nước, vì vậy anh có thể dùng thuốc cắt tảo để diệt, tuy nhiên cần thận trọng phòng ngừa sau khi diệt tảo tôm có thể nổi đầu do thiếu ôxy, anh phải chuẩn bị sẵn sàng ôxy bột, tăng cường quạt nước. Sau khi cắt tảo, sử dụng khoáng tạt hoặc Zeolit vào buổi tối và trưa hôm sau cấy vi sinh chất lượng…

 

Quản lý chặt chẽ diễn biến của tôm trong ao nhằm xử lý kịp thời khi có dịch bệnh – Ảnh: Phan Thanh Cường

Anh Dương Chí Tâm (ấp 10B, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) hỏi: Mô hình quảng canh cải tiến là như thế nào, khâu chuẩn bị ao, con giống và chăm sóc, xử lý như thế nào khi tôm bị bệnh?

Anh Dương Chí Tâm thân mến!

Nuôi tôm hiện nay đang áp dụng rất nhiều hình thức nuôi, tuỳ điều kiện kinh tế, quỹ đất, điều kiện tự nhiên vùng (nguồn nước, thổ nhưỡng…) mà quyết định nuôi theo hình thức nào cho phù hợp. Nuôi quảng canh cải tiến có 2 dạng: Một là nuôi chuyên tôm, thông thường hình thức này nuôi ở những ao nuôi thâm canh nhưng vì điều kiện kinh tế nên nuôi ở mật độ thấp hơn (dưới 10 con/m2) và cho ăn bổ sung thức ăn công nghiệp ở 2 tháng cuối. Hai là nuôi kết hợp tôm – cua – cá, tuỳ vào lượng thức ăn tự nhiên có trong ao mà người nuôi phân bố tỉ lệ mật độ thả các đối tượng cho phù hợp, thông thường loại này nuôi ở quy mô diện tích lớn (từ 1 ha trở lên), mật độ tôm 3 – 5 con/m2, cua 1 con/10m2, cá các loại 1 con/m2. Nguyên tắc thả giống: thả tôm trước sau đó tới cua và cá, khoảng cách thả 20 – 30 ngày, cá có thể thả cùng với cua.

Chuẩn bị ao:

– Nuôi trên diện tích ao nhỏ và chuyên tôm thì khâu cải tạo giống như nuôi công nghiệp, còn với diện tích lớn hơn thông thường là bừa trục, hoặc tháo cạn phơi khô đáy đến nứt rạn chân chim. Sau đó bón vôi và lấy nước vào ao qua túi lọc, đảm bảo độ sâu tối thiểu ở mương bao là 1m, trên mặt trảng ruộng nuôi là 0,7m để ổn định 2-3 ngày tiến hành diệt giáp xác, cá tạp.

– Gây màu nước, khử trùng nguồn nước và thả giống. Trong trường hợp này các đối tượng nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên là chính nên khâu gây màu là hết sức quan trọng. Người nuôi không nên bơm nước từ ngoài vào khi tôm chưa được 1 tháng tuổi, mà phải sau khi tôm được 1 tháng (tôm đã lớn, hoạt động nhanh nhẹn tìm kiếm thức ăn. Mặt khác, lúc này tôm cần nhiều thức ăn nên tiến hành bơm thêm nước ngoài vào, nhằm bổ sung thêm nguồn nước bị thiếu hụt, cung cấp thêm nguồn thức ăn tự nhiên, tận dụng nguồn giống tự nhiên…

 

Anh Nguyễn Văn Trí (Đầm Dơi, Cà Mau) hỏi: Chuẩn bị như thế nào cho phù hợp vụ nuôi theo mùa mưa, vụ nuôi tôm mùa mưa chuẩn bị khác mùa nắng như thế nào ?

Anh Nguyễn Văn Trí thân mến!

Trong nuôi tôm công nghiệp, khâu chuẩn bị ao là một công tác hết sức quan trọng, góp phần nâng cao tỉ lệ sống của tôm ngay từ khi thả giống… Vì vậy, việc cải tạo ao dù là ở mùa nào hay vụ nuôi nào cũng giống nhau và cần thực hiện thật tốt các khâu, từ san ủi đáy ao, tu sửa mái bờ, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho đến bơm lọc nước, xử lý nước…

 

Anh Đỗ Văn Trọng (ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, Hòa Bình, Bạc Liêu) hỏi: Ao đang nuôi bị tảo roi 90%, thu hoạch rồi gặp mưa nên cải tạo ao không được, tôi lấy nước vô tính xử lý tảo roi và các loại tảo độc trong ao nhưng không biết phải dùng thuốc như thế nào?

Anh Đỗ Văn Trọng thân mến!

 Trong trường hợp này anh có thể sử dụng một số loại thuốc DST, Kill Algae của Công ty Vemedim dùng để xử lý tảo trong ao nuôi. Đối với ao chưa có tôm, anh có thể sử dụng một số hóa chất để xử lý ao nuôi một cách triệt để như: BKC, Protectol (GDA)…

 

Anh Phạm Văn Thinh (ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hỏi: Tôm nuôi 20 ngày, độ kiềm 80 – 85ppm. Vậy có vôi gì tạt cho độ kiềm tăng lên?        

Anh Phạm Văn Thinh thân mến!

Đây là độ kiềm thích hợp, không ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Do tôm mới 20 ngày tuổi, giai đoạn này tôm đang sử dụng nhiều tảo nên anh cứ định kỳ 2-3 ngày bón Dolomit (loại tốt) 2 kg/100m2 vào buổi sáng, vừa gây được tảo vừa ổn định pH và tăng kiềm. Tuy nhiên, nếu anh muốn tăng kiềm nhanh cần sử dụng khoáng tạt N079 2 kg/1.000m3 vào thời điểm 7 – 8 giờ tối, trưa hôm sau cấy vi sinh TA-PONDPRO 0,5 kg/ 3.000m3 của Công ty Trúc Anh.

TSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!