Hội Nghề cá Việt Nam: Kiến nghị một số vấn đề tới Bộ NN&PTNT

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 5/1/2021, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam ban hành Công văn số 01/HNC-VP về một số kiến nghị đối với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản nhằm phát triển khai thác thủy sản.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành thủy sản, song sản xuất – kinh doanh của ngành vẫn đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến – tiêu thụ, dịch vụ hậu cần. Hội viên của Hội, doanh nghiệp và nông, ngư dân đã chủ động, nỗ lực, tích cực đẩy mạnh sản xuất, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Tuy vậy, trên một số lĩnh vực khai thác vẫn còn có khó khăn, hạn chế. Qua phản ánh của các Tỉnh hội, hội viên và ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản 5 nội dung như sau:

Về Nghị định 67/2014/NĐ-CP

Nghị định 67/2014 là một chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển của ngành thủy sản và nguyện vọng của ngư dân. Tuy vậy, trong việc tổ chức thực hiện còn có những khó khăn hạn chế, thực tế đã có những tàu cá xa bờ sản xuất hiệu quả, trả được nợ vay, song cũng còn nhiều tàu gặp khó khăn thua lỗ, không trả được nợ, ngân hàng khởi kiện ra tòa án xử lý và thu tài sản; nhiều trường hợp ngư dân các tỉnh khiếu nại về việc xử lý nợ vay chưa thỏa đáng đã gây nhiều khó khăn cho ngư dân thực hiện chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định này.

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cần tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả các đội tàu khai thác, dịch vụ khai thác thuộc Chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014, nghiên cứu đề nghị Chính phủ, ngân hàng và các ngành giải pháp, chính sách xử lý nợ xấu đối với các ngư dân vay vốn đóng tàu khai thác và dịch vụ khai thác hải sản xa bờ nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục ổn định sản xuất, góp phần trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra đánh giá đúng khả năng nguồn lợi hải sản các vùng biển, cung cấp thông tin chính xác cho các địa phương, ngư dân nắm bắt để tổ chức đánh bắt có hiệu quả cao.

Về chống khai thác IUU

Việc thực hiện kế hoạch quốc gia về chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm khai thác của Việt Nam vừa qua Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cùng các địa phương ven biển đã thực hiện đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EC, trong đó có việc nâng cao ý thức của người dân để họ tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định về IUU, về vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép… Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong triển khai tháo gỡ “thẻ vàng”, tăng cường công tác tuyên truyền vận động và các biện pháp quản lý bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Về hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão

Hiện nay, hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hậu cần nghề cá (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…) còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển và sự an toàn cho việc tránh trú bão của tàu cá. Trong trận bão lớn tại miền Trung vừa qua, nhiều tàu cá của ngư dân bị va đập hư hỏng, do vậy, đề nghị cần tăng nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá, đồng thời cũng nhằm thực hiện giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Về nhân lực trong khai thác

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật khai thác thủy sản và ngư dân có tay nghề hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, trình độ tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngư dân là nội dung đòi hỏi cấp thiết đối với nghề cá. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản nghiên cứu tổ chức lại hệ thống đào tạo kỹ thuật cho khai thác thủy sản (như trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề chuyên nghiệp) để tiến tới có được đội ngũ có tay nghề kỹ thuật cũng như cán bộ làm công tác quản lý có chuyên môn sâu.

Mong muốn phối hợp thực hiện

Hội Nghề cá Việt Nam có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý dày dạn kinh nghiệm, có hệ thống hội viên ở các tỉnh, thành cả nước, Hội mong muốn được phối hợp với các đơn vị của Tổng cục Thủy sản để triển khai các chương trình, dự án nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động nghề cá. Nếu được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản giao nhiệm vụ và phối hợp thực hiện, Hội sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương để tích cực tham gia triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước, vận động hội viên, ngư dân tuân thủ pháp luật, khắc phục khó khăn, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh tái sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống ngư dân.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!