Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua xanh thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cua xanh (Scylla paramamosain, Estampador, 1949) là một trong những đối tượng nuôi thủy sản nước lợ có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Trước đây, nuôi cua từ nguồn cua giống tự nhiên gặp nhiều hạn chế, không chủ động được số lượng và chất lượng cua giống. Vì vậy, sử dụng cua giống nhân tạo là giải pháp phù hợp và kịp thời cho nghề nuôi cua thương phẩm trong giai đoạn hiện nay.

I. Chọn địa điểm ao nuôi

– Ao nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển NTTS, vị trí địa lý phải được xác định rõ ràng.

– Nên chọn nơi giao thông thuận tiện, có điện lưới, đảm bảo an ninh.

– Bờ ao chắc chắn, giữ được nước, có cống cấp và cống thoát nước. Chất đáy cát bùn, bùn cát.

– Ao nuôi nằm ở vùng cao triều hoặc trung triều, nơi có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm do chất thải nông, công nghiệp và sinh hoạt.

– Ao có mức nước sâu từ 1 – 1,5 m. Diện tích ao nuôi từ 2.000 m2 trở lên.

II. Chuẩn bị ao nuôi

2.1. Cải tạo ao

– Tháo cạn nước. Nếu cần, đào mương thoát ở giữa ao hoặc xung quanh ao sao cho dốc về phía cửa thoát để nước chảy ra dễ dàng.

– Phơi khô cho đến khi đất đáy ao nứt ra để thúc đẩy nhanh quá trình ôxy hóa, giải phóng khí độc và khử các loài vi sinh vật không cần thiết.

– Vét bùn đáy và mang ra xa ao để đề phòng không chảy ngược lại ao khi có mưa lớn.

– Thau rửa ao bằng cách lấy nước vào đến độ sâu 30 cm, giữ trong 24 giờ rồi tháo ra.

– Gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh cống, phía trong ao. Tu sửa lại những nơi xung yếu, lấp hết những lỗ mọi để tránh thất thoát nước, thẩm lậu.

– Ao có đăng chắn quanh bờ bằng lưới nilon loại thưa hoặc đăng tre… nghiêng về phía trong ao một góc 600, đăng phải cao từ 0,8 – 1 m. Chôn sâu 20 – 30 cm vào bờ ao.

– Phía trong ao, cách bờ 2 – 3 m đào một kênh rộng 3 – 4 m bao quanh ao. Trong ao nên bỏ chà cho cua ẩn nấp, cắm chà đều khắp ao, số lượng nhiều hơn ở khu vực gần bờ.

Cua xanh được nuôi từ các ao nuôi tôm bỏ hoang. Ảnh: Thành Nguyên

2.2. Bón vôi

Sau khi cải tạo ao, tiến hành bón vôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Tùy vào giá trị pH đất ở mỗi ao nuôi khác nhau mà ta tiến hành bón lượng vôi phù hợp:

Độ pH đất Lượng vôi nông nghiệp (CaCO3) (tấn/ha) Lượng vôi tôi (Ca(OH)2) (tấn/ha)
> 6 1 0,5
5 – 6 2 1
< 5 3 1,5

2.3. Gây màu nước

Hai ngày sau khi cấp nước vào ao nuôi, gây màu nước bằng cách:

Cách 1: Bằng cám ủ (cám gạo, bột đậu nành, bột cá phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Nấu chín, ủ trong 2 – 3 ngày).

+ Bước 1: Lúc 7 – 8h sáng: Bón vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 100 – 150 kg/1.000 m3.

+ Bước 2: Lúc 10 – 12h trưa: Bón cám ủ liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3.

Lặp lại 2 bước trên liên tục trong 3 – 5 ngày đến khi độ trong của nước đạt 30 – 40 cm.

Cách 2: Bằng mật rỉ đường + cám gạo + bột đậu nành (tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ.

Lúc 9 – 10h sáng: bón mật đường + cám gạo + bột đậu nành đã qua ủ với liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước ao, tạt liên tục 3 ngày.

Các chỉ tiêu môi trường trước khi thả:

– ôxy hòa tan: > 4 ppm

– NH3: < 0,1 ppm

– pH nước: 7,5 ÷ 8,5

– Độ trong: 30 ÷ 40 cm

– Nhiệt độ: 28 – 32oC

– Độ mặn: 10 ÷ 25‰

– Độ sâu của nước: 1 ÷ 1,5 m

– Màu nước: xanh lá cây pha nâu.

III. Chọn và thả giống

3.1. Chọn giống

– Cua giống có kích thước đồng đều, linh hoạt không bệnh tật, dị hình; màu sắc tươi sáng, đầy đủ các phần phụ và khỏe mạnh.

– Cua bột 1, 2 có chiều rộng mai từ 0,5 – 0,7 cm.

Cua xanh giống

3.2. Thả giống

– Mật độ thả: 2 con/m2.

– Trước khi thả giống cần so sánh các yếu tố môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm…) giữa trại giống và ao nuôi để khi thả giống mà thực hiện điều chỉnh môi trường, tránh gây sốc cho cua.

– Thả cua ở nhiều điểm trong ao để cua tự bò xuống. Những con yếu thường nằm tại chỗ hoặc bò chậm, cần thu lại cho vào giai để theo dõi, nếu phục hồi thì thả xuống.

– Nên thả cua vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Chọn đầu hướng gió để thả.

IV. Chăm sóc và quản lý

4.1. Thức ăn và cách cho ăn

– Thức ăn cho cua trong 7 ngày đầu:

+ Thành phần: cá tạp: 80%, tôm: 15%, dầu mực: 1%, trứng gà: 3%, khoáng vi lượng: 1%.

+ Tất cả các nguyên liệu được trộn đều và xay mịn sau đó hấp cách thủy. Thức ăn được cà qua mắt lưới phù hợp rồi tạt đều xung quanh ao.

+ Ngày cho ăn 4 lần vào các thời điểm: 8h, 11h, 17h và 22h. Lượng thức ăn chiếm từ 6 – 8% trọng lượng đàn cua.

– Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 15:

+ Thành phần: cá tạp: 95%, dầu mực: 1%, trứng gà: 3%, khoáng vi lượng: 1% được hấp chín rồi cà qua mắc lưới phù hợp để làm thức ăn cho cua.

+ Ngày cho ăn 4 lần vào các thời điểm: 8h, 11h, 17h và 22h. Lượng thức ăn chiếm từ 6 – 8% trọng lượng đàn cua.

– Sau ngày thứ 15:

+ Cua đạt kích cỡ 1,5 – 2 cm, cho cua ăn bằng thức ăn tươi sống như cá tạp, nhuyển thể hai mãnh vỏ băm nhỏ… được hấp chín.

+ Lượng thức ăn hàng ngày chiếm 4 – 6% trọng lượng đàn cua.

Tuần Tổng lượng thức ăn trong ngày (kg)
1 0,6 – 0,7
2 0,8
3 1,1
4 1,5 – 1,8

Bảng 1. Lượng thức ăn hàng ngày cho 10.000 cua giống

– Sau 30 ngày: Cua đạt trọng lượng 5 – 7 g, chiều rộng của mai từ 2,5 – 3,5 cm. Tỷ lệ sống đạt từ 70 – 75%.

+ Thức ăn chủ yếu là: cá vụn, ốc, đầu cá… được hấp chín. Cho cua ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều tối, lượng thức ăn được tăng gấp đôi vào buổi chiều tối. Thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau.

+ Lượng thức ăn hàng ngày chiếm 4 – 6% trọng lượng đàn cua.

– Thường xuyên kiểm tra khả năng bắt mồi của cua để có chế độ tăng giảm hợp lý. Nên dùng nhá (sàng) để kiểm tra thức ăn sau khi cho ăn khoảng 2 – 3 giờ (điều tiết lượng thức ăn sau mỗi ngày).

– Tránh tình trạng cua bị thiếu thức ăn, cua đói sẽ tranh ăn và cua lớn sẽ ăn thịt cua bé, gây hao hụt. Vì vậy, cần dự trữ thức ăn khô (cá khô), những ngày không có thức ăn tươi có thể dùng thức ăn khô. Trước khi cho ăn nên ngâm vào nước 20 phút cho cá khô mềm ra rồi mới cho cua ăn.

– Định kỳ thu mẫu (10 – 15 ngày/lần), tính sản lượng cua trong ao để có căn cứ điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Tuần nuôi Lượng thức ăn/ngày (kg)
1 3,2 – 4,8
2 4,8 – 6,4
3 8 – 9,6
4 11,2 – 12,8
5 12,8 – 14,4
6 16 – 17,6
7 17,6 – 19,2
8 20,8 – 22,4
9 24 – 25,6
10 27,2 – 28,8
11 28,8 – 32
12 32 – 35,2
13 36,8 – 40
14 40 – 48
15 48 – 56
16 56 – 64

Bảng 2. Lượng thức ăn hàng ngày cho 10.000 cua giống sau 30 ngày nuôi

4.2. Quản lý ao nuôi

Quản lý môi trường

– Duy trì độ sâu mực nước ao nuôi trên 1 m, lý tưởng nhất là 1,5 m; màu nước nên có màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh; pH nên duy trì trong khoảng 7,5 – 7,8 là tốt nhất.

– Mỗi ngày thay nước từ 20 – 30% lượng nước trong ao. Một tuần nên thay toàn bộ nước trong ao một lần. Nước trong sạch kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.

– Tiến hành thay nước khi các chỉ tiêu môi trường bất lợi cho sinh trưởng cua nuôi. Có thể thay nước từ 50% – 100%.

Theo dõi tăng trưởng

– Định kỳ 2 tuần/lần bắt cua cân, đo để theo dõi tốc độ sinh trưởng của cua và tình trạng của cua. Nếu phát hiện có dấu hiệu bệnh thì cần tìm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.

– Thời gian cuối vụ nuôi, lúc cua lớn sắp thu hoạch, khối lượng cua trong ao tăng lên, lượng thức ăn cho vào ao nhiều hơn nên ao nuôi rất dễ ô nhiễm. Việc thay nước thường xuyên, kiểm tra môi trường rất có ý nghĩa. Trong trường hợp thức ăn quá dư thừa chúng ta phải cào bỏ lượng bùn trên mặt và thức ăn thừa đi. Sau đó thay nước toàn bộ nhiều lần.

Công tác bảo vệ chống thất thoát

– Thường xuyên kiểm tra ao, kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua.

– Khi cua nuôi được 3 – 4 tháng thì cua hay bò ra khỏi ao. Thông thường cua bò ra khỏi ao là do một trong các nguyên nhân sau đây: mật độ cua quá dày, cua thiếu thức ăn, thời tiết thay đổi.

– Thường xuyên kiểm tra, loại bỏ cua chết ra khỏi ao nuôi.

V. Phòng bệnh và địch hại

Phòng bệnh

– Thả cua với mật độ phù hợp;

– Quản lý tốt môi trường ao nuôi giúp cho cua phát triển nhanh và khỏe mạnh;

– Cho cua ăn vừa đủ, tránh tình trạng thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi;

– Không cho cua ăn thức ăn tươi sống vì dễ đưa mầm bệnh vào ao nuôi qua con đường thức ăn.

Phòng địch hại

Làm rào chắn xung quanh ao nuôi thật kỹ, tránh các địch hại xâm nhập ăn cua lúc cua lột.

VI. Thu hoạch

– Cua thương phẩm phải đạt 250 g/con trở lên, cua chắc thịt hoặc đã đầy gạch (cua cái) thì ta tiến hành thu tỉa. Cua thu bằng rập bắt cua.

– Sau 5 tháng nuôi chúng ta tháo cạn thu toàn bộ cua. Cua được giữ sống tránh gây thương tật, gãy sàng gãy que, làm giảm giá trị của cua.

Thành Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!