(TSVN) – Với nhiều trại nuôi tôm ở Indonesia như Delta Marine, 2023 là một năm đại thắng khi sản lượng tôm đạt mức cao kỷ lục, mặc dù thị trường tôm châu Á nói chung vẫn tương đối ảm đạm.
Trong vụ nuôi hiện tại, Delta Marine kỳ vọng nâng sản lượng lên mức trung bình 30 tấn/ha. Ảnh: Delta Marine Group
Rizky Darmawan, CEO của Delta Marine chia sẻ, sản lượng tôm nuôi của trang trại sắp phá kỷ lục một lần nữa. Vụ nuôi hiện tại kéo dài 3 tháng và toàn bộ ao vẫn đang hoạt động tốt. Đến nay, Delta Marine chưa gặp sự cố phải dừng vụ nuôi hoặc thu hoạch sớm. Theo Rizky Darmawan, từ vụ nuôi trước Delta Marine đã thử nghiệm cả hai hệ thống sản xuất dị dưỡng và tự dưỡng, đồng thời hợp tác chặt chẽ với hãng dinh dưỡng DSM và đạt năng suất 28 tấn/ha trên diện tích 20ha. Trong vụ nuôi hiện tại, Delta Marine kỳ vọng nâng sản lượng lên mức trung bình 30 tấn/ha.
Thu hoạch tôm tại trang trại của Delta Marine ở Sumbawa, West Nusa Tenggara. Ảnh: Delta Marine Group
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với người nuôi tôm tại Indonesia hiện nay là giá bán thấp. Nhiều chuyên gia cũng không thể dự báo chắc chắn tình trạng ảm đạm này sẽ kéo dài đến khi nào. Thực tế, đã có một số trại nuôi tôm phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng để chờ đợi thị trường ấm trở lại.
Rizky Darmawan cũng như tất cả người nuôi tôm tại Indonesia đều chung tâm lý lo sợ tôm tiếp tục rớt giá xuống mức thấp hơn chi phí sản xuất, đẩy nhiều trang trại đến bờ vực phá sản. Giống nhiều nước châu Á khác, giá tôm của Indonesia năm 2023 cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục trong khi sản lượng tôm toàn cầu liên tục tăng. Nhiều trại tôm ở Indonesia thu hẹp diện tích nuôi và tạm dừng hoạt động ở một số thị trường. Theo Darmawan, nền kinh tế thế giới đang suy thoái, lạm phát bao trùm khiến người dân khắp nơi phải cắt giảm chi tiêu hoặc chuyển sang các loại protein giá rẻ hơn. Điều này ảnh hưởng đến tiêu dùng mặt hàng tôm từng được xem là thực phẩm đắt tiền.
Đối với một doanh nghiệp lâu đời như Delta Marine, giá tôm thấp dù sao cũng gây ra tác động ít hơn hơn so với việc thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc vận hành kém hiệu quả. Rizky Darmawan khẳng định, mặc dù giá tôm thấp theo tình hình chung trên thế giới nhưng Delta Marine vẫn có lãi. Do đó, trại tôm vẫn mở rộng sản xuất để nắm bắt cơ hội trên thị trường tôm toàn cầu.
Ngoài giá bán thấp, tôm Indonesia còn chịu nhiều áp lực tại thị trường Mỹ khi đối mặt với mức thuế chống bán phá giá cao hơn sau khi nhiều thông tin cho rằng chính phủ Indonesia đang trợ cấp cho các trại nuôi tôm. Theo Rizky Darmawan, mặc dù chính phủ đã xây dựng một số chương trình hỗ trợ tài chính, nhưng đến nay nông dân Indonesia vẫn chưa nhận được bất kỳ nguồn tài trợ nào. Tuy nhiên, nếu Mỹ tăng thuế, giá tôm Indonesia sẽ còn xuống thấp và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành tôm của cả nước do Indonesia vân đang phụ thuộc vào thị trường Mỹ, và chưa mở rộng sang Trung Quốc, châu Âu và Trung Đông.
Rizky Darmawan đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành tôm Indonesia trong năm 2024. Trang trại này đang xúc tiến kế hoạch mở rộng thêm hai vùng nuôi trong năm 2024, tiếp tục tăng thêm hai vùng nuôi nữa vào năm sau, nâng tổng số vùng nuôi của tập đoàn lên bảy.
Không chỉ mở rộng diện tích, Delta Marine còn đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, ví dụ như tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng pin mặt trời tại trại nuôi tôm. Darmawan kỳ vọng, toàn bộ ao nuôi tôm của Delta Marine sẽ được “phủ” pin mặt trời trong hai năm tới để tiết kiệm 5% chi phí năng lượng. Ngoài ra, công ty này cũng đang tiếp cận mô hình nuôi đa dinh dưỡng tích hợp. Hiện tại, Delta Marine chủ yếu tập trung nuôi tôm, nhưng sẽ nỗ lực đa dạng hóa đối tượng và phát triển mô hình nuôi ghép với cá và tảo để tận dụng thức ăn dư thừa, giảm thiểu tác động lên môi trường và gia tăng lợi nhuận.
Trong một số ao tôm, Delta Marine đã thử nghiệm nuôi ghép cá măng và rong biển giá trị cao như caulerpa hoặc ulva. Rizky Darmawan hi vọng nhiều trại nuôi tôm khác tại Indonesia sẽ đi theo con đường của Delta Marine để vượt qua khủng hoảng giá tôm toàn cầu.
Tuấn Minh
(Theo Thefishsite)