(TSVN) – Nhuyễn thể hai mảnh vỏ được xem là đối tượng tiềm năng lớn và thích hợp cho phát triển nuôi biển, trong đó ngao/nghêu rất được chú trọng. Tuy nhiên, để ngành hàng này phát huy được lợi thế cần một chiến lược dài hơi.
Hiện nay có hai loài ngao đang được nuôi phổ biến ở nước ta là ngao đá (ngao trắng) và ngao dầu, tập trung hầu hết ở các tỉnh ven biển Bắc bộ và ĐBSCL. Các mặt hàng chế biến từ ngao khá phong phú, bao gồm thịt ngao luộc đông lạnh IQF, ngao luộc một mảnh vỏ, ngao nguyên con, cồi điệp đông lạnh, thịt ngao hộp… Nhìn chung, các mặt hàng ngao khá được ưa chuộng và tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa, nhiều sản phẩm đã có mặt ở các siêu thị lớn trong nước.
Một số địa phương đã nhập công nghệ sản xuất giống ngao nhân tạo bước đầu thành công như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã xây dựng và bảo vệ bãi ngao giống tại địa phương như ở Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Trà Vinh. Lượng ngao giống tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau chuyển ra các địa phương phía Bắc cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Một số vùng ở Nam Định, Thái Bình đang hình thành nghề ương giống ngao trong ao từ ngao cám vớt tự nhiên rất hiệu quả.
Báo cáo của các địa phương, cả nước có 18 tỉnh/thành nuôi ngao thương phẩm, trong đó có các loại hình tổ chức sản xuất nông hộ/trạng trại, doanh nghiệp và HTX. Tính đến tháng 9/2020, diện tích nuôi ngao ước khoảng 15.720 ha; sản lượng ước 185.910 tấn, năng suất 11,82 tấn/ha. Năng suất nuôi ngao theo từng vùng sinh thái có sự khác biệt giữa các địa phương; Nam Định có năng suất cao nhất trong vùng đạt từ 10 – 15 tấn/ha, nhiều mô hình đạt trên 20 tấn/ha và cá biệt có những vùng sản xuất đạt trên 40 tấn/ha và thu lãi hàng năm 1 – 2 tỷ đồng. Tại tỉnh Thái Bình, năng suất nuôi đạt 25 tấn/ha, cá biệt có vùng đạt tới 50 tấn/ha.
Việc nuôi ngao tại các tỉnh hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục như nuôi tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết vùng nuôi; trình độ kỹ thuật sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; công nghệ chế biến đơn giản…
Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, các vùng sản xuất giống ngao ở Việt Nam tập trung ở Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Tiền Giang. Cả nước có khoảng 380 cơ sở sản xuất giống ngao, tuy nhiên, nhiều trại đã chuyển sang sản xuất giống cá biển do tác động của dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác như môi trường ô nhiễm, giá bán bấp bênh, thiếu ổn định, điều kiện thời tiết khắc nghiệt…
Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng sản lượng ngao giống hiện tại trên cả nước có nguồn gốc từ sinh sản nhân tạo ước 15 – 20 tỷ con/năm (đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm), sản xuất giống tập trung tại Nam Định, Thái Bình, Tiền Giang, Bến Tre… và nguồn con giống cung cấp còn lại chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Bên cạnh đó, một lượng lớn giống ngao được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, Đài Loan nhưng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu nuôi.
Hiện nay, một số địa phương đang có hiện tượng nuôi ngao ngoài quy hoạch, nuôi ở những vùng chưa đủ điều kiện (vùng cao hoặc thấp triều), người dân thả nuôi với mật độ cao, ngao giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, môi trường ô nhiễm… Trong khi thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, ATTP và hiệu quả kinh tế của người dân.
Ông Phan Thanh Mạnh, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết, nghề nuôi ngao ở nước ta những năm gần đây gặp không ít khó khăn do hiện tượng ngao chết thường xuyên xảy ra ở một số địa phương. Nguyên nhân chủ đạo là do chất lượng nước kém, nhiệt độ và độ mặn… Con ngao ngày càng bị thoái hóa do người nuôi không chú trọng đến chất lượng giống. Vì vậy, thời gian nuôi càng dài, rủi ro càng lớn, người nuôi cần “bắt tay” cùng doanh nghiệp để hiệu quả sản xuất cao hơn. Đặc biệt, không thể để lợi ích của người nuôi ngao với doanh nghiệp khai thác khác (cát, bùn…) vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường nuôi. Một vấn đề nữa là thị trường ngao không ổn định, doanh nghiệp có lãi, xong người nuôi không lãi, sản phẩm tồn nhiều, khó tiêu thụ… Người nuôi rất cần thông tin từ nhà quản lý về giá cả, thị trường, kỹ thuật…
Anh Vũ