Những năm gần đây, cá mú lai (còn gọi là cá mú Trân Châu) được người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nuôi khá nhiều, nhất là vùng nuôi Cam Ranh. Để chủ động nguồn con giống, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống cá mú này.
Theo Tiến sĩ Trương Quốc Thái – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang (trung tâm), chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống cá mú lai – là con lai giữa cá mú cọp cái và cá mú nghệ đực (Epinephelus fuscoguttatus x E. lanceolatus)”, cá mú Trân Châu thừa hưởng ưu thế của cá mú nghệ và cá mú cọp, có ngoại hình đẹp, giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh, khả năng chống chịu tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Hiện nay, trên địa bàn TP. Cam Ranh có 3 loại cá mú đang được người dân nuôi là mú đen, Trân Châu và mú nghệ; trong đó, diện tích nuôi cá mú Trân Châu chiếm hơn 70%. Khi nuôi thương phẩm, sau 10 tháng (cá con có kích cỡ 5 – 10cm), cá mú Trân Châu đạt trọng lượng 1kg, tỷ lệ sống hơn 70%. So với cá mú đen, thời gian nuôi cá mú Trân Châu ngắn hơn 1 – 2 tháng. Năm 2018 và 2019, giá cá mú Trân Châu thương phẩm từ 180.000 đến 220.000 đồng/kg, trong khi cá mú đen thấp hơn 10.000 – 20.000 đồng/kg. Theo tính toán của Tiến sĩ Thái, nuôi trên diện tích khoảng 5.000m2, thu được khoảng 7 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí (giống, thức ăn…), người nuôi lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ cá mú mà hầu hết ngành nghề nuôi trồng khác đều bị ảnh hưởng, giá cá mú Trân Châu có thời điểm giảm xuống còn 90.000 – 120.000 đồng/kg.
Cá mú bố mẹ được nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang.
Những năm gần đây, diện tích nuôi thương phẩm cá mú Trân Châu trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, cá giống được sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi. Vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất phải nhập con giống từ nước ngoài, dẫn đến giá thành cao, con giống thường yếu hơn do quá trình vận chuyển và thay đổi môi trường sống. Kế thừa những thành tựu về kỹ thuật sản xuất giống cá, nhóm nghiên cứu đề tài của trung tâm đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống cá Trân Châu. Đề tài đã triển khai 10 đợt cho cá đẻ trứng và 5 đợt sản xuất giống thực nghiệm để đánh giá mức độ ổn định của quy trình sản xuất. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống cá bố mẹ đạt hơn 85%; tỷ lệ thụ tinh của trứng khoảng 78%; tỷ lệ nở của trứng 77%; tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương khoảng 4,5%; tỷ lệ sống cá hương lên cá giống khoảng 70%. Sau 5 đợt thực nghiệm sản xuất giống tại trung tâm thu được hơn 127.000 con cá hương (1,5 – 2cm), hơn 90.000 con cá giống (4 – 10cm); số lượng cá được nghiệm thu 30.000 con cá hương và 25.500 con cá giống. Trong phạm vi đề tài, 5 cơ sở được chuyển giao quy trình sản xuất thu được hơn 42.000 con cá giống.
Trại sản xuất giống cá biển Hòa Thủy, TP. Cam Ranh là 1 trong 5 cơ sở sản xuất giống được trung tâm chuyển giao quy trình sản xuất giống cá mú Trân Châu từ kết quả của đề tài. Năm 2018, ngay vụ sản xuất thử nghiệm đầu tiên, với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật tham gia thực hiện đề tài, trại đã sản xuất 1kg trứng, thu được 200.000 con giống kích cỡ 5 – 10cm. Sau năm đầu tiên sản xuất thử nghiệm, trại đã làm chủ được quy trình sản xuất giống cá mú Trân Châu. Năm 2019, trại sản xuất 7 đợt, cung cấp ra thị trường cả triệu con giống. Cá giống được các thương lái tới tận trại thu mua, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2018 và 2019, mỗi con giống có giá từ 20.000 – 30.000 đồng tùy từng thời điểm.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tổ chức lớp tập huấn nhân rộng mô hình cho 23 người dân tại các địa phương: Ninh Hòa, Cam Ranh, Cam Lâm. Sau khi được tập huấn, một số người đã liên hệ trung tâm mua trứng để sản xuất giống. Mùa sản xuất giống cá mú Trân Châu cao điểm từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Hiện nay, mỗi năm, trung tâm sản xuất khoảng 7 – 8 đợt, cung cấp ra thị trường 8 – 9kg/đợt, với giá bán 20 – 30 triệu đồng/kg trứng; trong khi đó, trứng nhập có giá 30 – 40 triệu đồng/kg, cao điểm 50 – 60 triệu đồng/kg.
Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh (Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang), thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá: “Thành công của đề tài góp phần cung cấp con giống có chất lượng cho người nuôi, giảm sự phụ thuộc vào con giống được nhập khẩu từ nước ngoài; thúc đẩy sự phát triển của các trại sản xuất giống hải sản và trang trại nuôi cá biển. Việc chủ động về nguồn giống là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá mú Trân Châu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh nói riêng và vùng duyên hải nói chung, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mới…”.