T2, 06/07/2020 09:50

Kiên Giang: Để phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững, phải tính đến biến đổi khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 24-5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cùng đoàn công tác của Bộ đã đến làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang xung quanh tình hình nuôi tôm và việc khắc phục diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đã tiếp, làm việc với đoàn.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ, bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang – cho biết, qua 5 tháng triển khai thực hiện kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2011, hiện toàn tỉnh đã thả nuôi 83.507 ha, đạt 101,84% kế hoạch, tăng 4,23% so cùng kỳ. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 1.285 ha, tôm quảng canh cải tiến 16.263 ha và tôm lúa 65.959 ha. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 9.523 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 11,4% diện tích, chủ yếu là do môi trường quá khắc nghiệt và dịch bện đốm trắng, diện tích thiệt hại tập trung chủ yếu tại 4 huyện vùng U Minh Thượng.

Ngay khi phát hiện thông tin tôm nuôi bị thiệt hại, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân khẩn trương xử lý mầm bệnh, cải tạo môi trường và đã thả giống lại được 96,83% (9.221 ha) diện tích, hiện các vuông tôm phát triển bình thường.

Nguyên nhân được xác định do biến động môi trường bất lợi có mưa trái mùa khiến độ mặn vuông tôm giảm đột ngột, đồng thời rong nhớt làm thay đổi độ pH… Theo lịch thời vụ, các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh đều thu hoạch dứt điểm vào tháng 8 năm nay. Ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra nguồn nước, bám sát lịch thời vụ để giảm thiểu thiệt hại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng để phát triển nuôi tôm bền vững, ít thiệt hại, tỉnh cần tập trung quy hoạch tốt vùng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, nuôi tôm lúa, tôm quảng canh, vùng nuôi cá, nhuyễn thể, quy hoạch về sản xuất giống để cung ứng tại chỗ… Quan trọng nhất là cần phải sớm xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng quy hoạch Về nuôi trồng thủy sản, quy hoạch. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá Kiên Giang là địa phương có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản, vì vậy, tỉnh cần xây dựng chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và hỗ trợ nguồn lực nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho người nuôi, có chính sách vay vốn và hỗ trợ rủi ro, đặc biệt phát triển mô hình quản lý cộng đồng; tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy lợi. Bên cạnh đó, phối hợp đào tạo nghề, nâng cao trình độ khoa học cho nông dân; chỉ đạo kiên quyết việc thực hiện lịch thời vụ. Mặt khác, xây dựng cánh đồng mẫu tôm – lúa để nhân rộng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng; có chính sách hỗ trợ rủi ro, hỗ trợ tín dụng đối với nông dân…

Hoài Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!