Những chiếc vỏ lải chở đầy hoa súng, những con thuyền cứ muốn chao nghiêng vì lươn cá đầy khoang. Mùa nước nổi, nông dân miền Tây Nam Bộ trở thành ngư dân.
Sau 2 ngày ở lại với búng Bình Thiên, tôi quyết định sang Đồng Tháp Mười. Cũng tại bến xe Châu Đốc (An Giang), nếu muốn “hóng chuyện” đời thì lên xe đò; muốn giữ sức mình để còn rong chơi tiếp thì chọn xe khách Phương Trang, Thành Bưởi. Khách chẳng phải đợi chờ mỏi mòn những chuyến xe như nơi khác, ở đây cứ cách 5 phút là có một chuyến xuất bến, và dù đi gần hay xa vẫn được nhân viên trên xe chăm sóc chu đáo bằng sự hồn hậu và chân chất của người miền Tây.
Mưu sinh mùa nước nổi. Ảnh: M.Kiệt
Một chuyến đi về miền Tây mùa nước nổi, người khác chắc sẽ luôn có nhiều sự chọn lựa. Riêng tôi, chỉ chọn An Giang và Đồng Tháp Mười để trải nghiệm. Cùng nhau qua những chuyến phà giữa sông nước bao la của sông Tiền, sông Hậu không cho con người ta cái cảm giác buồn lòng, nhớ nhà. Cái thế giới nhỏ bé trên những chuyến phà cũng lạ lắm, gần gũi lắm. Cũng đủ thứ chuyện trên đời mà sao cứ thấy hồn hậu, phóng khoáng. Hàng quà ăn vặt trên những chuyến phà cũng lắm thú vị với bánh bò, bánh khoanh, bánh tiêu, mía ghim, xoài dầm ớt…
Đồng Tháp Mười hiện ra trong mắt tôi bằng hình ảnh những cậu bé len trâu trên cánh đồng đầy nước. Phía mặt trời rực sáng in hình những chú trâu đen trũi, béo núc ních đang cỡi nước bắn ra những tia phù sa long lanh. Lần này, tôi ghé nhà cô Tám Liên, dì ruột của đứa bạn thân ở nhờ. Vừa kịp rửa bụi đường trên mặt, chú Ba Hoành – chồng cô Tám Liên đã kéo tôi lên chiếc vỏ lải rẽ kênh K12 vào đồng thả lưới. Lần đầu tiên được đi cùng với những lão ngư kêu con cá rô là cá “gô” tôi thấy lòng vui chi lạ. Cả một đồng nước mênh mông, thỉnh thoảng có mấy chòm cây cao đổ bóng xuống nền chiều khiến khung cảnh đẹp khôn tả. Giọng đều đều, chú Ba Hoành kể: “Hồi xưa, mùa nước nổi là tụi tui không cần đi thả lưới, giăng câu như bây giờ đâu. Cá nhiều đến nỗi chỉ cần lấy rổ ra xúc. Hồi đó, cá to mới ăn, cá cỡ bàn tay thì thả lại xuống nước. Bây giờ cá khan hiếm lắm, nên người ta bắt không kể cá lớn nhỏ và cũng không nghĩ đến một ngày nào đó nguồn cá sẽ cạn kiệt. Dù chỉ có một tháng, nhưng mùa nước nổi đã nuôi con người ở đây sống đủ đầy cả năm. Bởi vậy, mùa nước nổi chính là mùa mưu sinh của người miền Tây Nam Bộ”.
Chợ cá đồng.
Ở Đồng Tháp Mười, mỗi gia đình đều có 1 – 2 chiếc xuồng để mưu sinh trên đồng. Cứ hễ nước lai láng đồng ruộng là lúc con người ta bắt đầu sống lênh đênh. Trong khi chờ đợi chú Ba Hoành đổ dớn, tôi bắt chuyện với chị Bảy Ngọc. Năm nay 36 tuổi là cũng chừng đó mùa nước nổi chị lênh đênh sông nước. Cũng khó để tin rằng chị được sinh ra ngay trên xuồng giữa lúc nước đang lên, giữa lúc mẹ đang mang bầu vẫn còn chèo xuồng cho ba giăng câu. Và cuộc đời của chị, ngay từ lúc ra đời đã gắn với chiếc xuồng, với cuộc mưu sinh mùa nước nổi. Sau này, chị và chồng con vẫn an nhiên sống với từng mùa nước nổi.
Màn đêm đang buông dần trên những cánh đồng, giờ là lúc người ta sống cuộc sống của mình. Tiếng quẩy mái chèo, tiếng người gọi nhau í ới, những ánh đèn soi sáng rực trong đêm. Ngồi gần khoang cá, nghe tiếng con rô, con tràu rục rịch đã cái tai chi lạ. “Ghé làm vài ly đế chứ chú Ba! Tui vừa trúng mấy con chạch láu to lắm, có sẵn muối ớt xanh đây, tha hồ mà nhâm nhi đêm nay với mấy anh em”. Chú Ba bảo đó là xuồng của chú Hai Hà, sẵn dịp chú cháu mình lại nhâm nhi cho biết uống rượu sông nước.
Mưu sinh trong đêm.
Năm ngọn đèn của 5 chiếc xuồng chụm lại giữa mênh mang trời nước. Giữa chiếc xuồng câu bé xíu là nồi than hồng đỏ rực, con chạch láu vừa bắt lên còn trơn nhuốc, chú Hai nhanh tay lấy nhánh cây xiên ngang qua con chạch, chỉ 5 phút sau là mùi cá nướng bốc lên thơm lừng. Đưa tay bưng ly đế chú Hai rót tràn, tôi nhắm mắt nuốt ực, rồi nhón tay bốc miếng cá chạch láu chấm muối ớt xanh cho vào miệng. Giây phút này tôi cảm thấy mình đã trở thành người miền Tây thực thụ. Bên tai, giọng chú Hai đang ca “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng…”.
Mùa nước nổi – mùa mưu sinh. Những chiếc xuồng máy chạy nguyên đêm trên đồng, trên sông, kinh rạch và rồi đúng 3 giờ sáng, các ghe xuồng lại tập trung lại chợ cá đêm. Nhiều nhất là các loại cá linh, chạch, hột mít, rô, tràu… óng ánh dưới ánh đèn điện. Chị Chín Tâm, một thương lái xuống từ Sài Gòn mua cá đồng lên thành phố bán, cho biết: “Người ta làm ngó chơi chơi rứa đó, chứ mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng tiền cá. Năm nay cá ít hơn mấy năm mà vẫn có người chỉ trong một tháng là có được vài ba chục triệu. Cá ở miền Tây đem lên Sài Gòn chủ yếu được đưa vào nhà hàng lớn chứ có phải bán ngoài chợ đâu”.
Trải nghiệm mỗi một vùng đất mới bằng cảm nhận của riêng mình khiến cảm giác thấy mình thật nhỏ bé giữa thế giới bao la. Và cũng chính trong những lúc đó, thấy lòng mình thật bình yên để nhớ về quê nhà.