Kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc không tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi người nuôi phải nắm vững quy trình kỹ thuật bao gồm các công đoạn: chuẩn bị và chọn lọc trai mẹ, tiến hành cấy nhân, nuôi vỗ, nuôi thành ngọc, chăm sóc quản lý và thu hoạch.

Khu vực nuôi

Có thể sử dụng ao hoặc hồ với diện tích phù hợp để thuận tiện cho việc quản lý. Khu vực nuôi phải đảm bảo yên tĩnh và môi trường nước ít dao động. Có thể sử dụng lồng tre hoặc lồng nhựa treo trên giàn, bè, nơi có điều kiện môi trường và dinh dưỡng thích hợp để dễ dàng chăm sóc.

Chuẩn bị trai mẹ

Việc cấy nhân chỉ được thực hiện khi trai đạt tiêu chuẩn về kích thước, thời gian và tình trạng của tuyến sinh dục. Nếu khi cấy nhân mà tuyến sinh dục của trai đang ở giai đoạn thành thục thì trai dễ bị chết hay bị rơi nhân hoặc ngọc được tạo thành không đạt chất lượng. Vì vậy cần chọn trai mẹ có tuyến sinh dục không thành thục để cấy nhân. Để làm được điều này, người nuôi có thể thực hiện việc ức chế hoặc kích thích tuyến sinh dục trước khi cấy nhân, cụ thể:

Cách 1: Ức chế tuyến sinh dục vào đầu mùa sinh sản bằng cách nuôi trai ở tầng nước sâu, nơi có nhiệt độ thấp. 

Cách 2: Kích thích tuyến sinh dục của trai phát triển mạnh trong thời gian ngắn để trai sinh sản rộ, sau đó mới tiến hành cấy nhân. Tuy nhiên sau khi sinh sản cơ thể trai bị yếu đi nên cách này ít được áp dụng.

Chọn trai

Trong kỹ thuật cấy trai ngọc nhân tạo gồm có hai loại trai: trai nguyên liệu (để lấy miếng màng áo) và trai kỹ thuật (để lấy ngọc). Tỷ lệ của hai loại này là 2:1-5:1. Trai nguyên liệu là loại khoảng 1 – 2 tuổi, trai càng to càng tốt nhưng không nên vượt quá 5 – 6 tuổi. Việc chọn trai nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tạo ngọc và chất lượng sản phẩm sau này.

Trai kỹ thuật thường ở giai đoạn 1 – 1,5 tuổi, nặng 200 – 400 g, sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp, không dị tật, sinh trưởng nhanh (phiến sinh trưởng thưa, rõ ràng, vân phóng xạ đều). Đặt bụng trai kỹ thuật ngửa lên và duy trì nhiệt độ nước trong bể khoảng 28 – 30C. Sau một giờ trai sẽ mở miệng, sử dụng kẹp mở miệng trai để kiểm tra tuyến sinh dục. Trai đạt yêu cầu là trai có màng áo nguyên vẹn, dày, không bị bẩn, tơ chân ít, cơ khép vỏ không bị đứt và tuyến sinh dục không phát triển. Đối với trai mẹ đạt yêu cầu sẽ chèn miệng vỏ và được đưa về phòng thí nghiệm để cấy nhân.

Cắt màng áo

Cắt đứt cơ khép vỏ, tách đôi con trai, lấy màng áo ra khỏi vỏ trai. Lưu ý cần làm sạch chất bẩn và nhớt ra khỏi màng áo, sau đó cho vào dung dịch thuốc đỏ 5%. Cắt mép màng áo thành từng miếng nhỏ khoảng 2 – 4 mm và cho ngay vào dung dịch nuôi dưỡng PVP 1,5%. Chú ý các thao tác phải nhanh và chính xác.

Cắt màng áo từ trai nguyên liệu. Ảnh: Đức Hùng

Cấy màng áo

Đặt ngửa bụng trai trên giá cấy, móc lấy phần giữa chân, kéo về sau cho chân giãn rộng ra. Tiếp đó cắt một lỗ nhỏ ở giữa gốc chân với độ dài tương ứng với kích thước nhân cấy hoặc nhỏ hơn một chút. Sử dụng kim thọc qua lỗ đã cắt đó thông đến vị trí đặt nhân, tạo thành một đường ống và đưa màng áo vào cuối đường ống.

Cấy nhân

Sử dụng vỏ trai nước ngọt hoặc thủy tinh được mài nhẵn bóng có đường kính từ 2 – 9 mm làm nhân cấy. Đặt nhân cấy vào đầu lõng của kim và đưa nhân vào tiếp xúc với màng áo vừa mới cấy. Có 3 vị trí cấy nhân: cấy ở gờ nội tạng (đối với nhân lớn), cấy trước xoang bao tim (đối với nhân nhỏ) và cấy ở gốc xúc biện (đối với nhân cực nhỏ). Mỗi trai kỹ thuật ta có thể cấy 5 nhân, một ở nội tạng, hai ở gốc xúc biện, hai ở trước xoang bao tim. Khi cấy ở trước xoang bao tim và gốc xúc biện thì thao tác cấy ở vị trí bên phải và bên trái là như nhau. Khi cấy màng áo và nhân ở nội tạng cố gắng tránh làm tổn thương đến cơ co rút chân và ống tiêu hóa, cấy ở vị trí trước xoang bao tim thì tránh việc cấy quá sâu dễ làm chết trai.

Nuôi vỗ

Cấy ghép xong, trai được thả vào trong bể dưỡng để trai được hồi phục và theo dõi trước khi được cố định vào các sọt nhựa rồi đưa xuống ao để nuôi dưỡng. Với cách làm này, giúp trai không bị lệch, tăng tỷ lệ ngậm ngọc sau khi cấy và hạt ngọc tròn. Thời gian nuôi vỗ thường khoảng 1 tuần cho đến 1 tháng trước khi chuyển sang giai đoạn nuôi thành ngọc. Trai sẽ phục hồi và biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy.

Nuôi gây màu

Sau khi nuôi vỗ, ngọc trai tiếp tục được mang ra bãi chính để nuôi thành ngọc. Phụ thuộc vào giống trai mà thay đổi độ sâu của lồng nuôi trai để duy trì điều kiện thích hợp nhất cho trai. Thời gian nuôi thành ngọc kéo dài từ 1 đến 4 năm tùy theo kích thước ngọc mong muốn, trong đó khoảng thời gian từ 4 – 5 tháng cuối là thời gian gây màu.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Loại ngọc này có thể được tạo thành ở những vùng biển nhất định mà nơi khác không tạo ra được. Vùng biển như vậy được người ta dùng để nuôi gây màu. Điều kiện môi trường cụ thể để tạo màu cho ngọc trai thì chưa được xác định rõ, nhưng theo kinh nghiệm thì khu vực này có thức ăn dồi dào, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu biến đổi theo mùa rõ rệt. Vì vậy trước khi thu hoạch ngọc người ta chuyển trai đến vùng biển gây màu để nuôi hoặc thay đổi thành phần trong khẩu phần ăn của chúng. Thức ăn có nhiều kẽm, natri thì ngọc có màu hồng, thức ăn có nhiều bạc thì ngọc trai sẽ màu bạc óng ánh.

Chăm sóc

Trong quá trình nuôi, nguồn nước ao nuôi phải được đặc biệt chú ý, tránh các yếu tố hóa học và các nguồn xả thải vào ao. Toàn bộ trai được đựng cố định trong túi lưới, treo phao, cách làm này giúp trai không bị lệch nên hạt ngọc tròn, đẹp, đồng thời tảo và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng cho trai. Tuy nhiên, phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh túi nuôi trai để loại bỏ rong rêu và các sinh vật sống bám, hạn chế tối đa dịch bệnh và đảm bảo sự phát triển của trai.

Trong điều kiện môi trường bất lợi phải di dời đi nơi khác. Người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý để ngăn ngừa và tiêu diệt địch hại như cua, sao biển…

Mọi thao tác phải nhanh và chính xác. Ảnh: ST

Thu hoạch

Ngọc trai được thu hoạch vào mùa nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc làm trang sức tốt hơn thu ở mùa có nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ thường vào tháng 8 – 10 hàng năm.

Khi thu hoạch, cần tách vỏ trai, thu lấy ngọc sau đó rửa sạch và tiến hành phân loại. Trai không đạt tiêu chuẩn như hạt không tròn, có nhiều vết bẩn sẽ được xử lý tiếp. Có thể tẩy bẩn cho ngọc bằng dung dịch H2O2 2% từ 10 – 15 phút, sau đó rửa lại bằng xà phòng và ngâm vào cồn 400 trong 6 giờ. Có thể dùng sóng siêu âm để tẩy vết bẩn. Ngọc không tròn có thể được mài tròn và đánh bóng. Nếu màu sắc không đẹp có thể dùng phẩm nhuộm để nhuộm màu.

Kỹ thuật lấy ngọc trai vô cùng tỉ mỉ. Ảnh: ST

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!