T2, 06/07/2020 02:02

Kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Chọn con giống khỏe mạnh, không bị vỡ vỏ. Mọi thao tác trong khi vận chuyển và thả giống đều phải thực hiện hết sức nhẹ nhàng.

Chọn địa điểm nuôi

Độ sâu của nước trên 5 m đối với bè và dưới hoặc trên mặt 0 Hải đồ 0,5 đối với giàn. Độ mặn quanh năm 28 – 30‰; độ trong của nước trên 2,5 m; độ pH 7,5 – 8,5. Chọn địa điểm là các bãi, vụng, vịnh, kín sóng gió có nước lưu thông, dòng chảy 0,2 – 0,5 m/s, diện tích mặt nước không bị ô nhiễm bởi các ngành sản xuất, chất thải khu dân cư và không bị ảnh hưởng bởi các nguồn nước ngọt chảy vào.

 

Chuẩn bị vật liệu

Lồng nuôi: Sử dụng các khay nhựa hình chữ nhật có quy cách dài 50 cm, rộng 35 cm, cao 25 – 30 cm. Đáy và thành khay có các khe thông nước. Lưới cước 2a = 1 mm để lót đáy lồng, lưới cước bao quanh thành lồng có mắt lưới 2a = 20 mm. Lưới nắp lồng bằng nilon có mắt lưới 2a = 20 – 25 mm. Dây quang lồng Ø 5 – 7 mm bằng nilon. Dây treo lồng Ø 7 – 10 mm bằng nilon. Kéo cắt lưới, kim khâu và chỉ nilon. Cát thô có pha xác san hô hoặc pha mảnh vụn vỏ nhuyễn thể.

Gia công lồng nuôi: Cắt lưới bao thành lót phía trong và đáy thành lồng. Dùng kim chỉ khâu 2 lớp áp sát và cố định vào thành lồng. Dùng 2 sợi nilon buộc vào 4 góc lồng tạo thành quang treo lồng. Nắp lồng bằng nhựa hoặc cắt lưới 2a = 20 mm làm nắp lồng. Giàn treo cố định: Dùng cọc gỗ đóng thẳng hàng và chắc chắn xuống đáy, khoảng cách giữa các cọc 1,5 – 2 m. Dùng cây thép buộc các cây gỗ giằng ngang thân và đầu cọc tạo ra giàn treo vững chắc, giàn có thể làm nhiều hàng song song với nhau và vuông góc với chiều dòng chảy của nước. Lưu ý, giàn phải ở nơi có độ sâu trên 5 m so với mép sóng hoặc dưới mức nước ròng nhất.

 

Thả giống

Chọn con giống khỏe mạnh, không bị vỡ vỏ. Mọi thao tác trong khi vận chuyển và thả giống đều phải thực hiện hết sức nhẹ nhàng. Cho cát vào lồng dày 7 – 8 cm, treo lồng dưới nước sao cho mặt lồng không chìm xuống mặt nước. Dùng tay chọc xuống cát thành các lỗ hoặc dùng que tre, gỗ đâm xuống mặt bãi 5 cm tạo thành lỗ và cấy vào đó 1 con giống, mật độ 25 con/m2 tương ứng khoảng cách 20 cm giữa các cá thể thả mỗi lỗ 1 con. Sau đó buộc nắp lồng và từ từ thả lồng xuống độ sâu quy định 2,5 – 3 m (đối với bè); đáy lồng cách mặt bãi 0,3 – 0,5 m (đối với giàn cố định).

 

Chăm sóc và quản lý

Kiểm tra dây treo lồng và lưới nắp lồng, nếu bị cua hoặc cá làm rách lưới hoặc có nguy cơ đứt dây thì phải thay. Bên ngoài lồng nếu có nhiều hà, sun bám vào thì dùng dao cạy bỏ. Thường xuyên kiểm tra cọc và lưới vây, có biện pháp xử lý kịp thời khi thấy hiện tượng cọc lưới bị nghiêng đổ. Nuôi treo trên bè, khi có mưa phải thả lồng xuống độ sâu tối đa có thể. Sau mưa chờ cho độ mặn trở lại bình thường rồi kéo lồng lên ở mức quy định. Kiểm tra sinh trưởng mỗi tháng 1 lần, từ tháng thứ 2 trở đi tăng dần cát vào lồng 10 – 15 cm. Nếu lồng có chiều cao 30 cm thì độ dày của cát là 20 cm. Mỗi tháng kéo lồng lên 2 lần vào ngày thủy triều ròng nhất và dùng bàn chải đánh rửa sạch mặt ngoài lồng. Dùng tay bới cát xuống đến độ sâu khoảng 1/2 độ dày cát, nếu phát hiện có chỗ cát màu đen thì ở đó có thể có tu hài chết thì cần loại bỏ ngay và thay cát mới. Quản lý và chăm sóc bãi nuôi là việc làm thường xuyên, cần có người trông nom, theo dõi để kịp thời xử lý khi có hiện tượng bất thường.

 

Thu hoạch

Thời gian nuôi tu hài đạt đến cỡ thương phẩm là trên 50 g/con từ 1 năm trở lên. Để tu hài đạt độ béo nhất định, hàm lượng đạm trong thịt cao nên thu hoạch vào thời gian tuyến sinh dục phát triển, khoảng từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ và thả vào 1 giai đặt dưới nước trước khi vận chuyển đến thị trường.    

Nguyễn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!