Kỹ thuật nuôi và thu hoạch sinh khối Copepoda

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc hoàn thiện quy trình nuôi và thu hoạch sinh khối Copepoda giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng tôm thương phẩm và giảm tác động đến môi trường.

Điều kiện và địa điểm nuôi

Copepoda là loài rộng muối, nên có thể chọn nuôi được cả nước ngọt, mặn, lợ. Địa điểm nuôi phải có nguồn nước tốt, không bị ô nhiễm thuốc trừ sâu và các chất độc hại từ sản xuất nông nghiệp khác, có đường giao thông thuận lợi, có điện sản xuất đầy đủ.

Chuẩn bị

Thiết bị, dụng cụ

– Máy xay đa năng: Để xay đầu vỏ tôm, xác tôm chết, cá rô phi, cá tạp, các phụ phẩm từ các nhà máy chế biến thực phẩm khác (vây, xương, ruột cá…);

– Máy nén ôxy: Dùng để xử lý ôxy trong quá trình xử lý và nhồi sinh học cho Copepoda;

– Mô tơ và dàn quạt nước: Để đảo nước trong qáu trình nuôi và thu hoạch Copepoda.

– Ống Nano tạo ôxy cỡ hạt ôxy từ 30 – 50 μm là tốt nhất;

– Lưới thu Copepoda: Có mắt lưới 60 μm trở xuống, lưới được may thành túi, đầu túi to để hứng dòng nước từ quạt nước đi vào lưới, đuôi lưới nhỏ để tiện việc dồn Copepoda vào dụng cụ thu;

– Vợt: Bao gồm 2 loại vợt (vợt thưa có cỡ mắt lưới 100 – 120 μm, vợt dày có cỡ mắt lưới 60 μm trở xuống). Vợt thưa để lọc các chất cặn bã trong quá trình thu Copepoda, vợt dày dùng kiểm tra, thu hoạch Copepoda vào dụng cụ vận chuyển;

– Phi nhựa 200 L: Để xử lý và nhồi sinh học trước khi cho tôm ăn;

– Xô nhựa 5 – 7 kg: Để cho Copepoda ăn và thu hoạch sinh khối Copepoda;

– Bình thủy tinh 500 ml để kiểm tra mật độ Copepoda hàng ngày.

Nguyên vật liệu

– Cá tạp, cá rô phi, đầu vỏ tôm, xác tôm chết, phụ phẩm từ nhà máy thực phẩm…;

– Men vi sinh, hoặc EM, mật rỉ đường: Để ủ cá tạp, cá rô phi, đầu vỏ tôm, xác tôm chết, phụ phẩm từ nhà máy thực phẩm sau khi xay nhuyễn;

– Chất nhồi sinh học cho Copepoda: Là các thảo dược hoặc β-glucan hoặc các kháng sinh từ thực vật (tỏi nghệ, gừng…) có tác dụng làm giảm mật độ vi khuẩn trong cơ thể Copepoda và tăng cường các chất đề kháng cho tôm.

Chuẩn bị ao

Ao sử dụng nuôi Copepoda là ao đất (có thể lót bạt bờ), có chất đáy là cát bùn hoặc đáy bùn đều được. Sản lượng Copepoda có thể đạt 25 – 30 kg/ngày/1.500 m2 ao, dựa trên sản lượng này để tính toán khối lượng Copepoda thu được và nhu cầu sử dụng Copepoda của tôm ương trong khu nuôi, đảm bảo lượng Copepoda đủ cho tôm ăn ít nhất là 20 ngày đầu tiên mà không sử dụng thức ăn công nghiệp. Do đó, trong khu nuôi cần bố trí diện tích nuôi Copepoda phù hợp.

Khu nuôi được thiết kế hệ thống và dụng cụ để hứng được chất thải (phân tôm, thức ăn thừa, xác tôm…) trong quá trình nuôi tôm, nguồn chất thải này tận dụng để ủ làm thức ăn cho Copepoda tránh lãng phí và góp phần bảo vệ môi trường.

Tiến hành bơm hết nước, phơi và cày xới đáy ao trong vòng 7 – 10 ngày, đánh vôi đá liều lượng 150 – 200 kg/1.000 m2 đáy ao, sau 3 – 5 ngày đánh vôi cho nước nước vào ao (lấy con nước triều cường). Khi lấy nước vào ao nuôi phải lấy qua túi lọc (túi lọc có kích thước mắt lưới 60 µm) để loại bỏ bớt các địch hại của Copepoda (cá, tôm tự nhiên…), diệt cá trong ao nuôi Copepoda bằng saponine với liều lượng 30 ppm.

Quy trình nuôi

Lấy giống Copepoda: Copepoda phân bố tự nhiện rất nhiều trong nước, nên khi lấy nước vào trong ao, gây sinh khối từ 10 – 15 ngày là có thể thu hoạch giống để nuôi sinh khối. Khi tiến hành nuôi sinh khối Copepoda tốt nhất dùng 1 ao nhỏ (300 – 500 m2) để lấy giống Copepoda, sau khi lấy giống cần lọc sạch cặn bẩn và sinh vật gây hại rồi thả giống vào ao nuôi sinh khối. Sau khi nước ao nuôi Copepoda được diệt khuẩn 3 – 5 ngày tiến hành cung cấp dinh dưỡng cho ao để Copepoda phát triển. Cụ thể là đạm thủy phân từ cá tạp, cá rô phi, đầu vỏ tôm, xác tôm chết, phụ phẩm từ nhà máy thực phẩm sau khi xay nhuyễn ủ từ 3 – 5 ngày là có thể cho ăn.

Thức ăn: Thức ăn cho Copepoda là các loài tảo như Chaetoceros calcitrans, Chaetoceros calcitrans đã được chứng minh là thức ăn tốt nhất cho C. Oithona sp. Hay cũng có thể kết hợp tảo và men bánh mì với tỷ lệ 75% tảo: 25% men thì số lượng cá thể Copepoda có thể đạt 8.000 ± 681 cá thể/L. Ngoài tảo và men bánh mì có thể tận dụng các hợp chất hữu cơ dư thừa trong quá trình nuôi tôm (thức ăn thừa, phân tôm, vỏ tôm, xác tôm chết…) được xay nhuyễn ủ lên men, đánh trực tiếp xuống ao, dùng quạt nước vừa phải để các chất dinh dưỡng hòa tan đều trong nước và cung cấp ôxy cho Copepoda phát triển. Mỗi ngày cung cấp 8 – 10 lít dinh dưỡng lên men/1.000 m2 ao. Sau 10 – 15 ngày kiểm tra sinh khối Copepoda bằng hình thức so màu, nếu sinh khối Copepoda đạt thì tiến hành thu cho tôm ăn.

Thu hoạch: Đặt lưới thu Copepoda trước dàn quạt nước, định kỳ 3 – 5 giờ tắt máy và xổ ống lưới thu Copepoda vào xô, thau… đưa về chứa trong phi 200 – 300 L có sục khí mạnh bằng ống nano ôxy kết hợp nhồi sinh học từ 60 – 70 ppm bằng các chất nhồi sinh học như trên. Sau 120 phút dùng vợt vớt ra cho tôm ăn.

Cho tôm ăn bằng Copepoda

Khi Copepoda được xử lý xong, dùng lưới có mắt lưới 60 µm lọc Copepoda chuyển sang thả vào bể ương tôm, cho tôm ăn Copepoda bằng lượng thức ăn công nghiệp theo bảng hướng dẫn của các công ty thức ăn.

Nếu lượng Copepoda bị thừa trong 1 lần cho tôm ăn thì nó vẫn sống trong bể nuôi tôm, khi tôm đói bắt mồi lại mà không làm bẩn nước, đáy của bể ương tôm.

Nên thả Copepoda một điểm cố định trong bể ương tôm để tạo tập tính cho tôm tập trung nhiều nhất 1 chỗ làm tăng hiệu quả bắt mồi của tôm.

Trước khi cho tôm ăn tạo tiếng động để kích thích sự tập trung của tôm và kích thích sự bắt mồi của tôm.

Lưu ý

– Nguồn nước cấp cho ao nuôi Copepoda đã được xử lý đảm bảo an toàn khi nuôi sinh khối Copepoda, trong quá trình vận hành, nguồn nước cấp thêm cho ao nuôi sinh khối Copepoda lấy từ nguồn nước đã được xử lý để cấp cho tôm, nên rất an toàn.

– Làm vách ngăn bằng bạt HDPE ngăn giữa khu nuôi tôm và khu nuôi Copepoda để tránh sự lây lan mầm bệnh giữa các khu.

– Mật độ Copepoda được duy trì đủ lượng cho tôm ăn hàng ngày, nếu mật độ quá cao hay quá thấp cần điều chỉnh lượng thức ăn cung cấp cho Copepoda và lượng thu Copepoda hàng ngày. Cần có tối thiểu 2 ao nuôi Copepoda trong 1 khu nuôi để đảm bảo lượng Copepoda thường xuyên cho tôm ăn. Duy trì môi trường ổn định cho Copepoda phát triển.

– Ao nuôi sinh khối Copepoda không thay nước trong suốt quá trình nuôi (1,5 – 2 năm) mới cần cải tạo lại. Do đó, sự lây lan mầm bệnh từ quá trình xả thải của ao nuôi Copepoda sang ao tôm gần như không có.

ThS Phan Văn Hài

Công ty TNHH Thủy sản Ấn Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!