T2, 06/07/2020 09:53

Kỳ vọng thủy sản nước ngọt: Phát triển rộng khắp

Chưa có đánh giá về bài viết

Tận dụng diện tích hiện có, trong nhiều năm qua, nuôi thủy sản nước ngọt đã có những bước phát triển đều khắp ở Quảng Nam.

Những mô hình “điểm”

Tại Điện Bàn, trên cơ sở thực hiện đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi giai đoạn 2005 – 2010”, nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn huyện đã có những thành công nhất định. Năm 2009, Điện Bàn đầu tư xây dựng mô hình thực nghiệm cá điêu hồng trên diện tích 5.000 m2 tại xã Điện Hòa. Nhờ thành công của mô hình cộng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh, năm 2010, huyện đã mở rộng sản xuất khi thả nuôi 36 nghìn con giống trên diện tích 12.000 m2 tại 2 xã Điện Hòa và Điện Thọ. Sau 2 năm thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới trong nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh. Vào thời điểm này, ở lứa thu hoạch đầu tiên trong năm 2011, nhiều hộ ở Điện Hòa, Điện Thọ thu lãi từ 30 – 40 triệu đồng.

Nuôi thủy sản nước ngọt ngày càng được mở rộng ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Hiện nay, trong việc mở rộng các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, huyện Đại Lộc cũng đã thành công với mô hình nuôi cá điêu hồng. Năm 2011, trên cơ sở tận dụng diện tích nuôi cá nước ngọt hiện có tại hồ chứa nước Khe Tân (thuộc 2 xã Đại Thạnh và Đại Chánh), huyện Đại Lộc đã thả nuôi gần 18 nghìn con cá giống điêu hồng trong 250 m2 diện tích mặt nước (nuôi lồng). Hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình này rất khả quan. Cụ thể, sau 4 tháng thả nuôi với chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, mô hình đã đem lại lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Trước đó, các mô hình nuôi cá tra, cá rô phi đơn tính, cá lóc… ở Đại Lộc huyện cũng đã đem lại lợi ích kinh tế rất khả quan. Ông Nguyễn Văn Qua (thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp) cho biết: “Trong nhiều năm qua, cùng với việc tiếp nhận và ứng dụng về mặt kỹ thuật, gia đình tôi còng được tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tra ở một số địa phương nên đã thành công với mô hình kinh tế mới mẻ này. Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng sản xuất trong thời gian đến”.

Ngoài đối tượng nuôi là cá điêu hồng, các mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính với cá trắm cỏ và cá chép cũng đem lại thành công cho nhiều địa phương. Năm 2010, huyện Hiệp Đức triển khai nuôi ghép 18 nghìn con cá rô phi đơn tính với cá chép và cá trắm cỏ trên diện tích 1ha cho 30 hộ tại xã Quế Lưu. Qua 6 tháng nuôi, cá sinh trưởng và phát triển rất tốt. Với sản lượng thu hoạch ước đạt gần 10 tấn, mô hình đã thu được gần 200 triệu đồng, trong khi chi phí chỉ 100 triệu đồng.

Mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ với cá rô phi đơn tính cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân ở huyện miền núi Đông Giang. Năm 2010, Đông Giang triển khai mô hình với 32 nghìn cá rô phi đơn tính và cá trắm cỏ cho 30 hộ dân thuộc các thôn A Xanh 1, A Xanh 2, Gố và Ka Dâu (xã Zà Hung)… Sau 6 tháng thả nuôi, mỗi hộ sản xuất thu bình quân gần 10 triệu đồng.

 

Nhân rộng

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhân rộng sản xuất sẽ là hướng đi tất yếu của nuôi thủy sản nước ngọt. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc đánh giá: “Thực hiện thành công việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt trong thời gian qua sẽ giúp địa phương chú trọng mở rộng sản xuất trong thời gian đến. Tỷ suất lợi nhuận đạt hơn 30% vốn đầu tư chỉ trong vài tháng nuôi, rõ ràng sẽ là phí phạm rất lớn nếu không thâm canh nhân rộng sản xuất. Điều này càng đáng xét đến hơn khi diện tích hồ chứa, bàu, đập… trên địa bàn huyện là rất lớn”. Ông Phạm Thành Chung, Trưởng trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Điện Bàn cũng đồng tình với ý kiến này: “Điện Bàn có nhiều ưu thế trong việc nuôi thủy sản nước ngọt. Việc tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ để giảm giá thành sản xuất cũng như sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý các nguồn nước ao nuôi… là những thuận lợi lớn của chúng tôi. Ngoài ra, tinh thần sáng tạo trong lao động cũng như biết tranh thủ các nguồn vốn khác nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất sẽ là điều kiện cần thiết để địa phương tất yếu mở rộng thâm canh sản xuất”.

Thời gian qua, nguồn giống nuôi thủy sản nước ngọt được xem là “gót chân Asin” của ngành kinh tế nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu này đã được khắc phục vào thời gian gần đây. Bên cạnh việc cung ứng đủ các giống nuôi thủy sản chủ lực là cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng và cá tra, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã du nhập và ương thành công các loại giống thủy sản nước ngọt mới (gồm cá thác lác cườm, cá bống tượng…). Ngoài ra, vào thời điểm này, việc ương nuôi cá bột lên cá giống để chủ động được nguồn giống cho sản xuất của các huyện miền núi cũng đã được thực hiện. Như vậy, nếu như trước đây, khó khăn về vận chuyển cá giống đã khiến cho sản xuất gặp khó thì việc đẩy mạnh sản xuất giống tại chỗ đã giúp cho các hộ dân yên tâm hơn trong sản xuất. “Khó khăn về chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nuôi thủy sản nước ngọt cho đồng bào miền núi đã phần nào được tháo gỡ. Việc bà con có thể tự ương được cá giống không chỉ giúp họ có được nguồn giống tại chỗ để sản xuất, mà quan trọng hơn, họ sẽ yên tâm nuôi thủy sản nước ngọt đúng quy trình kỹ thuật” – bà Lâm Thị Ngọc, phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam cho biết.

Ngoài những thành công nhất định, việc nhân rộng mô hình nuôi thủy sản nước ngọt bằng cách chuyển hướng sản xuất từ quảng canh sang thâm canh được xem là hướng đi tất yếu trên địa bàn Quảng Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 6 đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn tổ chức ngày 23.8, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đặt ra nhiệm vụ “quy hoạch đi đôi với cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nuôi trồng thủy sản để thâm canh tăng năng suất và an toàn dịch bệnh”. Vì vậy, với hiệu quả thực tế và những định hướng mới, thủy sản nước ngọt đang được đặt rất nhiều kỳ vọng.

Trên toàn tỉnh hiện có 5.000 ha nuôi thủy sản nước ngọt. Ngoài việc nuôi cá ở các ao, hồ, sông, lạch, diện tích nuôi cá tra tập trung vào thời điểm hiện tại là 36 ha, diện tích nuôi cá rô phi đơn tính tập trung là gần 5 ha. Đến thời điểm này, sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt ước đạt hơn 10 nghìn tấn. Riêng hình thức nuôi cá tra tập trung ở Duy Xuyên, Điện Bàn mỗi năm cung ứng cho thị trường 3 nghìn tấn, nuôi cá rô phi đơn tính tập trung ở huyện Đại Lộc cung ứng 600 tấn.

 

Băn khoăn về quy hoạch

Về sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thiếu qui hoạch, trong tham luận “Đề nghị một số nội dung ưu tiên tập trung” đối với tam nông, Sở NN&PTNT (tại Hội nghị Tỉnh ủy ngày 23.8) có đưa ra quan điểm:

Hội nghị nào cũng nêu vấn đề thiếu quy hoạch nhưng không có sự chỉ đạo quyết liệt về công tác lập và quản lý thực hiện theo quy hoạch. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã đề nghị nhiều lần từ rất sớm nhưng ngân sách không bố trí được vốn, nên đến nay chưa lập được Quy hoạch chung về nông nghiệp và phát triển nông thôn(…). Thực tế, một số quy hoạch ngành nông nghiệp đã được phê duyệt nhưng phải “bị loại trừ” cho các quy hoạch sau nó chồng lấn (như quy hoạch nuôi trồng thủy sản; qui hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; qui hoạch trồng rừng của một số dự án…).

NGUYỄN QUANG VIỆT

Theo Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!