T2, 06/07/2020 10:56

Làm sao “giảm nhiệt” tai nạn đường thủy?

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo tính toán, kinh tế biển hiện chiếm 43% GDP cả nước ta, đặc biệt giao thông vận tải đường thủy nội địa chiếm 25% tổng khối lượng hàng hóa vận tải hàng năm. Tuy nhiên, tai nạn đường thủy cũng luôn “nóng”. Ngay cả ở các nước có “thâm niên” về đóng và vận hành các phương tiện đường thủy hiện đại… vẫn xảy ra những vụ tai nạn khó tin.

Vụ tai nạn chìm phà ở Hàn Quốc đang trong quá trình điều tra, song bước đầu dư luận và các nhà chuyên môn cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến một vụ tai nạn lớn như vậy, hay nói đơn giản hơn, đây là hệ quả của một chuỗi các sai lầm, sai phạm, sai sót. Bởi chỉ một vài nguyên nhân thì khó xảy ra tai nạn, nếu xảy ra cũng không thể thảm khốc như vậy. Từ phương tiện, điều khiển, từ việc kiểm tra kiểm soát đến các phương án cứu hộ trên tàu, từ những sai sót của một số cá nhân đến việc điều hành có phần chưa linh hoạt… các nguyên nhân của vụ chìm phà đang được làm sáng tỏ dần dần, song bài học cho thấy việc bảo đảm an toàn cho giao thông đường thủy, đặc biệt là với các phương tiện chuyên chở nhiều người là điều rất cần sự quan tâm đặc biệt.


Nhiều bất cập ra ánh sáng

Việt Nam cũng từng chịu một số vụ tai nạn đường thủy lớn, tuy số người thiệt hại thấp hơn, song tai nạn xảy ra nhiều dạng khác nhau.

Nổi bật là vụ tàu chở hàng đâm vào tàu cá Tiền Giang cách bờ biển Vũng Tàu 50 hải lý khiến hơn 10 người chết và mất tích. Ai đã từng đi biển đều biết việc điều hành giao thông đường biển rất khó khăn và thiết bị cũng còn hạn chế. Việc các tàu hàng đi vào khu vực nhiều tàu cá của ngư dân rất cần được kiểm soát.

Tai nạn ca nô cũng là hiện tượng đáng lo ngại vì đây là phương tiện được sử dụng chủ yếu để vận chuyển khách đi gần bờ và ra các đảo gần bờ. Tốc độ cao, chở nhiều khách, nhưng máy móc và vận hành để lộ nhiều điểm đáng cảnh báo. Điển hình là vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc ca nô trôi dạt giữa sóng lớn trong khi chở 30 khách. 9 nạn nhân đã chết đuối.

Tai nạn giao thông đường thủy vẫn thường xuyên xảy ra ở nước ta – Ảnh: Huy Hùng

Ngành du lịch cũng trở thành mối lo khi họ sử dụng nhiều tàu chở khách được cải tạo, thiết kế nhiều hình thù kỳ quái, chở nhiều khách, song độ an toàn đến đâu… chỉ giông gió mới kiểm tra được. Điển hình là vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn. 16 người thiệt mạng. Vịnh Hạ Long cũng có nhiều tàu gỗ du lịch mà khả năng chịu sóng gió của chúng cũng đang là bài toán khó. Một vụ chìm tàu du lịch ở Hạ Long cũng từng lấy đi 12 mạng du khách.

Theo ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư kí Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam: Số vụ tai nạn hàng hải ở Việt Nam mỗi năm không đứng ở vị trí nhất thế giới thì chí ít cũng nằm trong “top” đầu. Ngoài thiệt hại về kinh tế, tai nạn hàng hải còn có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường. Bởi mỗi con tàu thường mang trên mình rất nhiều dầu, chất thải…

Tập trung vào công tác cứu hộ

Để hạn chế tổn thất trong giao thông đường thủy theo đánh giá chung, trước hết phải tập trung vào công tác cứu hộ. Công tác cứu hộ tại chỗ trên tàu, ca nô cần được chú ý và tập huấn thường xuyên. Khác với tai nạn trên đất liền, việc cứu hộ với tai nạn đường thủy xảy ra chậm hơn và cần nhiều phương tiện, trong khi đó, nếu có sự chuẩn bị tốt và chủ động của chủ phương tiện thì giảm nhiều tổn thất. Câu chuyện đau lòng nhưng có thật đó là nhiều vụ tai nạn, các nạn nhân đã phải nhường cho nhau áo phao để người khác được sống. Việc trang bị áo phao đủ cho du khách vốn không tốn kém nhiều, vấn đề nằm ở chỗ chủ tàu có quan tâm đến độ an toàn hay không?

Việc cơi nới, mở rộng, thay đổi kết cấu, hình dạng và tính năng của các tàu, đặc biệt trong lĩnh vực chở khách và du lịch là mối ẩn họa khôn lường. Khi gặp thời tiết xấu hoặc có va chạm ngầm hoặc va chạm với tàu khác, thì những con tàu cơi nới rất dễ bị chìm, lật. Một chuyên gia cho biết việc thiết kế các con tàu du lịch ở Việt Nam hiện còn bỏ ngỏ, người ta thường “tự chế” ra những kiểu tàu du lịch theo cách mà họ nhìn thấy ở nước ngoài hoặc bắt chước người khác. Người kỹ sư này cho biết rằng để thiết kế, đóng một con tàu du lịch an toàn đúng tiêu chuẩn thì chắc chắn giá thành phải đắt hơn nhiều lần so với không ít con tàu gỗ mỏng manh như hiện nay. Thậm chí nhiều tàu du lịch của nước ngoài giá hàng triệu đô la, trong khi người dân vẫn tự chế tàu gỗ để làm du lịch trên sông nước với kiến thức rất hạn chế. Một số nơi vẫn dùng thuyền đánh cá chở khách du lịch, nếu sử dụng cano thì không ít khi “đắt khách” nên quá tải.

Phương tiện nào cũng do con người kiểm tra, đánh giá, điều khiển, xử lý. Việc đào tạo người điều khiển phương tiện phải được chú ý nhiều hơn. Anh Dũng, một thành viên trong Hội Người đi biển Việt Nam cho biết rằng, giao thông đường thủy phức tạp hơn rất nhiều so với đường bộ, do ảnh hưởng thời tiết, luồng lạch, gió mùa, độ bồi lấp phù sa, sự thay đổi dòng chảy… ngoài bằng cấp còn cần phải có kinh nghiệm lâu năm và một kiến thức đáng kể về sông ngòi, đại dương.

>> Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 3 tháng đầu năm 2014, tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 17 vụ, làm chết 15 người, bị thương 1 người. Xảy ra 7 vụ tai nạn hàng hải, không có người chết và bị thương. Cũng trong quý I, cảnh sát đường thủy các địa phương lập biên bản xử lý 67.151 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, phạt tiền 35,9 tỷ đồng, cho thấy giao thông đường thủy ở Việt Nam vẫn đang chứa đựng rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

N. A

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
LIÊN HỆ

    Back to top
    error: Content is protected !!