(TSVN) – Nói tới những làng nghề sản xuất, chế biến cá khô nổi tiếng tại các tỉnh miền Tây, hẳn nhiều người bấy lâu nay đều nghe và biết tới địa danh xã Phú Thọ, thuộc địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Khi mà nơi đây có nghề chế biến khô lâu năm, cùng số hộ dân làm khô rất đông, với chất lượng sản phẩm thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng và cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận “khô Phú Thọ”…
Những ngày cuối tháng 11 Âm lịch năm 2022, về “làng khô” Phú Thọ, và đi dọc theo Tỉnh lộ ĐT 844 nối giữa huyện Tháp Mười qua huyện Tam Nông, tới QL 30 để đi huyện Hồng Ngự, chúng tôi bắt gặp không khí tất bật, nhộn nhịp vô cùng, khi bà con nơi đây đang hối hả bước vào thời điểm làm các sản phẩm cá khô, để phục vụ cho thị trường Tết Quý Mão 2023. Ngoài các loại xe tải nhỏ, xe gắn máy tấp nập chở cá nguyên liệu tới giao cho các cơ sở, hộ dân chế biến, thì cũng có không ít các thương lái tới lấy hàng khô thành phẩm mang đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Thực ra thì làng cá khô này bà con làm nghề quanh năm, nhưng giai đoạn những tháng cuối năm, khi mùa khô bắt đầu mới được xem là mùa vụ “cao điểm”; bởi lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán là rất lớn, trong khi trời luôn nắng cũng rất thuận lợi cho việc làm khô. Qua tìm hiểu được biết, hiện xã Phú Thọ có khoảng hơn 100 hộ dân làm khô, với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Với các “vựa”, cơ sở lớn thường sản xuất tới cả tấn cá, trong khi các cơ sở gia đình quy mô nhỏ, thì họ làm chừng từ vài ba chục cho tới dăm bảy chục kg cá thành phẩm mỗi ngày. Các hộ dân ở đây thường chế biến các loại khô cá như: cá sặc rằn, cá chốt, cá chạch…, nhưng nhiều nhất vẫn là khô cá lóc. Ngoài việc làm khô để giao cho các mối sỉ đặt hàng để mang đi tiêu thụ tại các tỉnh thành khác trong nước, cũng như xuất khẩu qua nước ngoài, thì hầu hết các cơ sở, hộ dân sản xuất khô, cũng lập luôn quầy bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng tới mua. Nhiều khách đi đường khi ngang qua họ đều ghé vào quầy mua khô mang về ăn, hoặc làm quà cho bạn bè người thân.
Chị Lê Thị Thu, chủ một cơ sở chế biến khô cho biết, gia đình chị làm nghề được khoảng hơn chục năm, và những ngày bình thường trong năm chỉ làm độ gần tạ cá, nhưng tới dịp cuối năm khối lượng hàng sản xuất thường phải tăng lên gấp ba lần mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Chị Thu bảo mất vài năm dịch COVID- 19 làng nghề rơi vào cảnh đìu hiu, đời sống bà con gặp khó khăn, thế nhưng may mà năm nay dịch đã tạm “vơi” đi, nhịp sống dần bình thường, vì vậy mà mùa làm khô này không khí lại nhộn nhịp và bà con nông dân cũng hy vọng sẽ có một cái Tết khá giả, tươm tất hơn vài Tết qua…
Qua tìm hiểu, tiếp xúc, trò chuyện cùng những người làm khô cá ở đây, chúng tôi thấy công việc này không hề nhàn hạ, nếu không muốn nói là khá vất vả, khi họ phải thức khuya dậy sớm, lao động quần quật suốt từ sáng sớm cho tới tối muộn. Thậm chí nhiều khi nhân công phải làm thêm cả tối, đêm với các công đoạn xẻ, rửa, ướp cá…, để sáng mai đợi nắng phơi cá cho kịp. Nghề làm khô cũng chỉ lấy công làm lời, khi trừ tất cả các chi phí, từ tiền mua cá nguyên liệu, tiền thuê nhân công, cho tới tiền mua gia vị, bao bì…, thì chủ cơ sở cũng còn lời không nhiều.
Khô biển từ các làng nghề ở các tỉnh miền Tây lâu nay đã có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán. Tự hào về nghề làm khô của quê hương mình, người dân làng cá khô biển luôn chú trọng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng. Chính từ cái nắng, cái gió của miền biển và sự mặn mòi của muối biển quê nhà đã làm nên thương hiệu khô biển miền Tây nổi tiếng gần xa.
Đặng Đức