(TSVN) – Nuôi trai ngọc nữ cho giá trị kinh tế cao, mức độ tận dụng tối đa, ngoài sản phẩm chính là ngọc, vỏ trai có nhiều màu sắc sặc sỡ, óng ánh nên được gia công thành những mặt hàng mỹ nghệ.
Trai ngọc nữ (danh pháp khoa học: Pteria penguin) là loài lớn nhất trong chi Pteria. Trai ngọc nữ có vỏ lớn, dạng cánh, tai trước nhỏ, tai sau kéo dài. Từ đỉnh vỏ trái đến mép sau của mặt bụng vỏ hình thành một gờ sống cao, rộng. Mặt ngoài vỏ màu đen, bên ngoài vỏ có thể phát triển thành lông dạng phiến, thỉnh thoảng có lông màu nâu bao phủ. Mặt trong óng ánh xà cừ, màu kim bạc. Vết cơ khép vỏ rõ ràng hình bầu dục. Trai ngọc nữ còn có các tơ chân lớn như tóc dùng để bám vào vật bám.
Nuôi trai lấy ngọc mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân. Ảnh: Linh Linh
Chúng thường phân bố trong các thủy vực có độ mặn khác cao 29 – 30‰. Loài sống ở vùng triều đến dưới triều đến độ sâu 20 m nước, thường bắt gặp ở độ sâu 5 – 10 m, tương đối xa bờ, ít thấy phân bố ở vùng gần bờ. Trai ngọc nữ dùng cơ chân bám lên giá thể như đá, san hô, gỗ… Chúng có kích thước trưởng thành khá lớn, chiều cao vỏ đạt 25 – 30 cm, nặng 1.500 – 2.000 g/con.
Theo nghiên cứu của Michael, trai ngọc nữ là loài lưỡng tính. Các cá thể có kích thước dưới 88,8 mm đều là đực. Đối với các cá thể có kích cỡ nhỏ hơn 170 mm tỷ lệ đực nhiều hơn cái, tỷ lệ này có xu hướng 1:1 khi chiều dài tăng, và tỷ lệ cá thể cái nhiều hơn khi kích cỡ lớn hơn 180 mm. Các cá thể đực thành thục khi có kích cỡ lớn hơn 56 mm, phổ biến ở kích cỡ 70 mm. Ở Việt Nam, tuyến sinh dục của trai ngọc nữ phát triển từ cuối tháng 5, tỷ lệ thành thục giai đoạn 2 – 3 chiếm khá cao từ 80 – 90%. Ở Nhật Bản, mùa sinh sản của trai ngọc nữ kéo dài từ mùa hè đến đầu mùa thu khi nhiệt độ nước giảm xuống 25 – 29°C, tuyến sinh dục phát triển nhất vào tháng 8.
Ở Việt Nam, trai ngọc nữ thường gặp từ tuyến hạ triều đến độ sâu 5 – 10 m. Vùng phân bố chính ở Biện Sơn (Thanh Hóa), Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Phú Quốc, Côn Đảo. Những năm qua, số lượng trai ngọc nữ ngoài tự nhiên đã giảm đáng kể, được đưa vào danh mục các loài cần được bảo vệ. Tháng 6/2006, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã thử nghiệm sản xuất thành công giống loài trai ngọc nữ này tại Trại sản xuất giống Cát Bà – Hải Phòng.
Tại Việt Nam, phát triển các cộng đồng nuôi cấy ngọc trai đang cho thấy tiềm năng mang lại cơ hội sinh kế mới cho người dân sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ ngọc trai. Với sản phẩm ngọc trai đủ kiểu dáng độc đáo: bầu dục, bán cầu, ngôi sao, trái tim, hình ô van, hình cầu, hình giọt nước… Điển hình như ở Khánh Hòa, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Trường Đại học Sunshine Coast (Australia), Giáo sư Paul Southgate và Tiến sĩ Pranesh Kishore trước đây đã chuyển giao công nghệ nuôi cấy loài trai ngọc nữ này. Giáo sư Paul Southgate cho biết, mô hình nuôi cấy ngọc trai đang triển khai rất thành công ở Australia và Fiji, mỗi năm chuỗi giá trị mô hình đem lại lợi nhuận hàng chục triệu USD. Mô hình này cũng khá tương đồng với việc nuôi hàu ở ven biển Việt Nam, được ngư dân vùng duyên hải miền Trung áp dụng khá phổ biến, vì vậy ngư dân nuôi trai lấy ngọc không phải gặp nhiều khó khăn khi áp dụng mô hình mới.
Theo ông Phùng Văn Bảy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, tại vùng nuôi trai ở Hòn Giữa, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa, trên diện tích khoảng 5.000 m2 với 5 bè nuôi thả khoảng 700 con trai, mỗi con được cấy 3 hoặc 5 viên. Con giống trai sẽ được đưa vào ương tại chỗ, khi con giống đạt khoảng 15 cm có thể bắt đầu cấy 3 hoặc 5 viên ngọc. Sau khi cấy ngọc phải tiếp tục nuôi trong 10 tháng. Sau 10 – 12 tháng có thể thu hoạch, chế tác và đem ra thị trường. Với tỷ lệ cấy ngọc thành công đạt khoảng 60%, mỗi năm sản lượng ngọc trai đạt khoảng 1.200 – 2.000 viên.
Qua quá trình nuôi có thể nhận thấy việc nuôi trai lấy ngọc đem tới nhiều lợi ích cho người dân. Trước hết, đây được xem là hướng đi mới tiềm năng bởi người dân có thể chuyển đổi từ các đối tượng thủy sản quen thuộc như hàu, vẹm… sang đối tượng giá rẻ và dễ nuôi. Đặc biệt, nghề nuôi trai lấy ngọc cho hiệu quả kinh tế cao, một con trai chỉ có giá khoảng 50.000 – 100.000 đồng và sau khi nuôi khoảng 10 tháng đến 1 năm, người dân có thể thu lời khoảng 600 – 800 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí về lồng bè, nhân công… Ngoài ra, về mặt xã hội, trai là đối tượng mang tính chất cộng đồng, dễ làm, dễ thao tác, phù hợp cho mọi đối tượng. Trong khi đó, cán bộ kỹ thuật cũng có thể truyền đạt kỹ thuật nuôi cấy cho người dân bằng cách đơn giản nhất.
>> Ông Phùng Văn Bảy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết: “Hiện nay, nghề nuôi trai lấy ngọc vẫn là nghề mới, quy mô nhỏ lẻ với giá trị sản phẩm hạn chế và vùng nuôi chưa chính thức. Tuy nhiên, khi cải thiện được vùng nuôi và nâng cao giá trị sản phẩm, có thể đề nghị chính quyền quy hoạch vùng nuôi để phát triển ở quy mô lớn và bền vững hơn”.
Diệu Châu